Gần một thập niên kể từ khi Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được ban hành năm 2007, song đến nay ngành này ở Việt Nam vẫn mới chỉ như mới “qua vạch xuất phát”. Làm thế nào để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đúng với vai trò và tiềm năng của Việt Nam là vấn đề đang đặt ra và việc cần làm trước tiên là bắt đầu từ chính sách. Đó cũng là điều mà tác giả Nguyễn Thị Bích Liên và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh sẽ phân tích sâu hơn trong bài "Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ dựa vào khoa học, công nghệ".

Việt Nam là một trong những quốc gia luôn chú trọng đến các hoạt động hướng tới bình đẳng giới. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Đặc biệt, trong Báo cáo Khoảng cách Giới toàn cầu 2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam tụt hạng từ thứ 42 năm 2007, xuống thứ 76 năm 2014. Qua bài "Thị trường lao động và bình đẳng giới ở Việt Nam", tác giả Trần Quang Tiến sẽ phân tích rõ hơn thực trạng và nêu ra một số giải pháp. Một vấn đề rất cấp thiết đối với Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách giới ở mọi lĩnh vực, hướng tới công bằng, bình đẳng trong xã hội.

"Sau giai đoạn 1 của quá trình cơ cấu lại: Hệ thống ngân hàng Việt Nam thế nào?". Đó cũng là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng khi mà Đề án Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã hoàn thành giai đoạn 1 (2011-2015) và đang bước sang giai đoạn tiếp theo 2016-2020. Nhiều mục tiêu đề ra trong Đề án đã đạt, đặc biệt là chỉ tiêu giảm số lượng ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN được chính thức thành lập cuối năm 2015, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết, thì mục tiêu quan trọng nhất trong bối cảnh mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam là phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đứng vững và phát triển.

Thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều ưu tiên cho phát triển khu vực tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước này lại thể hiện sự kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là do trình độ quản lý của phần lớn lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Tác giả Nguyễn Thành Nam với bài viết "Chất lượng đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước" sẽ cùng bàn luận kỹ hơn về vấn đề này.

Hiện nay, vấn đề doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giá ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Tình trạng này không chỉ làm cho Việt Nam thất thu một khoản lớn tiền thuế, mà còn hứng chịu nhiều tác động tiêu cực. Qua bài "Chuyển giá của doanh nghiệp FDI và những tác động đối với Việt Nam", tác giả Dương Văn An sẽ phân tích những tác động tiêu cực do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI và đề xuất một số giải pháp, nhằm kiểm soát tốt hơn hành vi này của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu đã làm rõ chân lý rằng, tiêu dùng có ý nghĩa quyết định đến bảo vệ môi trường. Từ đó, phong trào tiêu dùng xanh đang trở thành phổ biến hiện nay. Dân số tăng, tiêu dùng của xã hội cũng tăng theo. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là nhu cầu bức thiết. Với bài "Thúc đẩy phong trào tiêu dùng xanh ở Việt Nam", tác giả Nguyễn Gia Thọ có một số đề xuất để tiêu dùng xanh ở Việt Nam trở nên phổ biến hơn.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết về doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, thương mại... sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin tham khảo hữu ích./.