Chào xuân Quý Tỵ - Đất nước vui đón nhiều hy vọng mới! là bài viết mở đầu cho chuyên mục Xã Luận. Nhâm Thìn đã qua, cả nền kinh tế phải oằn mình vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, lại vừa phải chống chọi với những khuyết tật của chính nền kinh tế vốn đã tích tụ sau nhiều năm. Đón chào năm mới với những tín hiệu lạc quan Xuân Quý Tỵ - Tết cổ truyền của dân tộc với nhiều hy vọng mới.

Nhân dịp năm mới, trong Chuyên mục Định hướng triển vọng Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về triển vọng kinh tế năm 2013 và những việc cấp bách cần làm để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững. Nội dung này được thể hiện rõ nét qua bài viết Khuyến khích nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển; Năm 2013 – năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, đòi hỏi những nỗ lực lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, các giải pháp hữu hiệu phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, 16 nội dung trọng tâm được đề cập qua tựa đề: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Công tác năm 2012 và những nhiệm vụ lớn năm 2013 của tác giả Tống Quốc Đạt.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường, việc sử dụng công cụ quy hoạch cũng xuất hiện những yêu cầu đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện. Trong đó có yêu cầu khẩn trương ban hành Luật Quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Xây dựng Luật quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước…” Trong lúc hiệu năng của quy hoạch lại không cao, mang tính hình thức, không ít quốc gia phát triển, có nền kinh tế thị trường như Anh là một điển hình, vẫn đang sử dụng công cụ quy hoạch một cách hiệu quả. Vẫn đề này sẽ được phản ánh qua Chuyên mục Diễn đàn xây dựng Luật quy hoạch số ra kỳ này.

Tiếp đến, chuyên mục Nghiên cứu trao đổi, là một loạt bài viết rất đáng quan tâm dưới ngòi bút sắc sảo của các chuyên gia uy tín. Trước tiên là bài Hoàn thiện thể chế kinh tế: Lại chuyện về phân vai giữa Nhà nước và thị trường của TS. Trần Du Lịch cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về những hạn chế trong thể chế kinh tế đang tồn tại ở Việt Nam và từ đó đề xuất những giải pháp để hóa giải những hạn chế đó .

Tiếp đó, công tác thống kê và những thách thức để nâng cao chất lượng công tác này sẽ được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê TS. Đỗ Thức giải đáp trong buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

Tái cấu trúc nền kinh tế đang là vấn đề nóng được sự quan tâm của người dân cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, công cuộc tái cấu trúc không dễ nếu như không hiểu rõ về vấn đề này. Bài viết Tái cấu trúc nền kinh tế: Nhìn từ cơ cấu thành phần kinh tế của TS. Bùi Văn Huyền sẽ mang đến cho bạn đọc một góc nhìn khác, từ cơ cấu thành phần kinh tế. Dưới lát cắt này, quá trình tái cấu trúc được nhìn rõ ràng, từ đó sẽ tìm ra những giải pháp cần thiết để hoàn thành tốt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam;

Bài Yếu tố tiên quyết đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam của PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh; Bàn về lạm phát ở Việt Nam của TS. Nguyễn Đăng Bình, Vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của TS. Võ Trí Thành; Nhìn lại chính sách tiền tệ và gợi ý những năm tiếp theo của PGS,TS. Đào Văn Hùng và TS. Nguyễn Thạc Hoát; và bài Xuất, nhập khẩu 2013: Tìm cơ hội trong thách thức của PGS,TS. Nguyễn Sinh Cúc sẽ kết thúc chuyên mục. Bạn đọc sẽ tìm được những vấn đề mình quan tâm trong từng bài viết của các chuyên gia.

Năm 2013 dự báo tình hình kinh tế trong nước sẽ tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những biến động khó lường. Nhưng, với quyết tâm và xác định rõ vị trí là Thủ đô của cả nước, Hà Nội vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng của GDP từ 8-8,5%, cùng những giải pháp trọng tâm mang tính đột phá. Vấn đề này được phản ánh qua bài viết Kinh tế Thủ đô: Nhìn lại năm 2012 và vững bước trong năm 2013 của tác giả Nguyễn Mạnh Quyền. Tiếp đến, bài Doanh nghiệp vượt “bão” thời khủng hoảng của tác giả Lê Vân và nhóm phóng viên, đã kết thúc chuyên mục Kinh tế ngành - địa phương.

Chuyên mục Phổ biến kiến thức trong số ra kỳ này, đề cập đến đánh giá các chương trình, dự án phát triển nông thôn không những để xác định hiệu quả, mà còn là căn cứ để từ đó xem xét điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng dự án. Trong nhiều phương pháp, thì PSM (Propensity Score Matching) là phương pháp được phổ biến hiện nay ở nhiều nước, rất cần tham khảo để áp dụng ở nước ta. Nội dung này được tác giả Dương Thanh Tình, Đỗ Xuân Luận thể hiện qua bài viết Sử dụng phương pháp PSM trong đánh giá tác động dự án phát triển nông thôn.

Cuối cùng là chuyên mục Nhìn ra thế giới với bài Kinh tế thế giới 2012 và triển vọng 2013 – Tác động đến Việt Nam của tác giả Khương Duy.