Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài chính vi mô đã nổi lên như là một loại hình hữu hiệu trong việc cung cấp vốn, dịch vụ tài chính cho các đối tượng có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ. Tại Việt Nam, tài chính vi mô đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Qua bài viết "Về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam" của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Hùng và Tạ Thu Hồng Nhung, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thành tích đạt được, song bên cạnh đó thì hoạt động của ngành tài chính vi mô vẫn còn những hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển.

Một thực trạng đáng lo ngại được đề cập tại các báo cáo gần đây về tình hình triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là, mặc dù chính sách hỗ trợ đã có nhiều, song việc triển khai thực hiện trên thực tế gặp rất nhiều vướng mắc, dẫn tới kết quả thực hiện và tác động hỗ trợ từ các chính này còn hạn chế. Bài viết "Về hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" của tác giả Đoàn Anh Tuấn sẽ phân tích sâu hơn những vướng mắc này. Qua đó thấy rằng việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là vấn đề bức thiết đặt ra đối với Nhà nước.

6 tháng đầu năm 2016 diễn ra trong bối cảnh cả khó khăn và thuận lợi đan xen phức tạp đã làm cho bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian này mang đủ cả hai mầu sáng - tối. Bài viết "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016: Biểu hiện gặp ngưỡng cản ngay sau khi tăng" của tác giả Ngô Thắng Lợi và Trần Thị Vân Hoa phân tích cụ thể hơn về vấn đề này để thấy rõ cần phải làm gì khắc phục những mặt hạn chế trong 6 tháng còn lại của năm.

"Thu hút FDI: Quyết không vì thành tích mà bỏ qua các tiêu chuẩn “môi trường”", đó là tiêu đề bài của tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung và cũng là điều Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện. Từ vụ việc xả thải của Tungkuang, hay Vedan trước đây đến việc sục, rửa hóa chất và xả thải của Formosa mới được phát hiện gần đây, có thể thấy rằng, hơn lúc nào hết, cần đặt chuyện thu hút FDI bên cạnh vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam. Bởi, nếu không, hậu quả sẽ không lường hết được và “nhãn tiền” là thảm họa cá chết hàng loạt, môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung bị hủy hoại, dẫn tới ngành kinh tế biển, cũng như ngư dân của các tỉnh này đang lâm vào tình trạng khốn đốn.

Mặc dù đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2016, nhưng nhìn chung, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro. Thực trạng này như một lời cảnh báo, vì thế mạnh của Việt Nam vẫn đang là một nước nông nghiệp và là niềm tự hào nhiều năm qua trong xuất khẩu. Tác giả Phạm Vĩnh Thắng với bài "Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hiện nay" đã đề xuất một số giải pháp rất đáng lưu tâm, cần phải thực hiện để khắc phục hiện trạng này.

Hoàn thành việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn năm 2015, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… như cánh cửa mở rộng đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh mới, những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành thép cũng giống như “muối bỏ biển”, nếu chính năng lực cạnh tranh của ngành không được cải thiện. Tiêu đề bài viết "Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam: Tồn tại không tồn tại?" của tác giả Nguyễn Quang Huy cũng như một lời cảnh báo các doanh nghiệp ngành thép phải nỗ lực trong lúc còn chưa quá muộn để tồn tại và phát triển.

Bên cạnh một số bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài phân tích sâu sắc các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, thương mại và các bài phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của một số địa phương sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích./.