Tình trạng các loại quy hoạch không được tích hợp thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất, thì có thể gây ra hiện tượng một khu vực đất được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau theo các loại quy hoạch khác nhau. Đây là dạng “quy hoạch chồng quy hoạch” và “quy hoạch chống quy hoạch”, vừa lãng phí và vừa tạo phức tạp trong quản lý. Để loại bỏ tình trạng này, chỉ có một cách duy nhất là mọi loại quy hoạch phải được tích hợp với nhau trong một hệ thống đồng bộ và thống nhất, phải được thể hiện cụ thể trên từng khu vực đất cụ thể. Ý nghĩa của việc xây dựng Luật Quy hoạch như thế nào trong quy hoạch sử dụng đất sẽ được tác giả Đặng Hùng Võ bàn luận sâu sắc trong bài "Luật Quy hoạch: Yếu tố mang tính cải cách quan trọng đối với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế".

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như hoạt động khoáng sản ở nước ta đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa pháp luật và thực tiễn quản lý. Tình trạng trốn thuế tài nguyên, vận chuyển, buôn bán lậu khoáng sản... vẫn thường xuyên xảy ra đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, gây thất thu ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai khoáng, đáp ứng yêu cầu mới của hội nhập. Tác giả Phương Hữu Từng sẽ đánh giá thực tiễn về vấn đề này trong bài "Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng".

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc dù đạt được những bước tiến lớn đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng của Việt Nam từ thị trường này. Qua bài viết "Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Thực trạng và khuyến nghị", tác giả Trịnh Thị Thanh Thủy cho thấy, Việt Nam cần phải có đối sách và thích nghi để thực hiện một cách có hiệu quả, bền vững các hoạt động trong quan hệ thương mại với đối tác to lớn và giàu tiềm năng này, nhất là trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực.

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây là định hướng chiến lược quan trọng để đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển bền vững. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, thì rất khó phát triển như kỳ vọng. Những khó khăn đó là gì sẽ được tác giả Lê Anh Duy phân tích rõ hơn trong bài "Phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới: Những thách thức và giải pháp tháo gỡ".

Trước triển vọng kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ chứa đựng nhiều bất ổn và rủi ro, tác giả Nguyễn Thị Thu Hà với bài "Đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế" nhìn nhận xuất khẩu của Việt Nam cần sẵn sàng đối diện và phản ứng với những yếu tố biến động, đồng thời, cần tận dụng tối đa những ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Theo đó, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn quốc gia, mà phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm.

Cùng với một số bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài phân tích sâu sắc về các vấn đề thương mại, tài chính, đầu tư... sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin hữu ích./.