Ý thức của người tiêu dùng về thương hiệu đã làm cho họ có thiên hướng lựa chọn các thương hiệu quen thuộc để mua. Do đó, nếu các nhà bán lẻ muốn đánh bại đối thủ cạnh tranh của mình thì phải làm cho người tiêu dùng thích mua các sản phẩm và lựa chọn thương hiệu của mình. Khi người tiêu dùng muốn mua một sản phẩm, tên của một thương hiệu cửa hàng nơi họ sắp đến có thể đến với tâm trí của họ cùng một lúc, nó phản ánh rằng, nhận thức về thương hiệu của họ cao hơn. Thông qua điều tra khảo sát bằng bảng hỏi đối với khách hàng tại 7 siêu thị bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả Phạm Hùng Cường sẽ làm rõ hơn vấn đề này trong bài "Các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng thương hiệu bán lẻ tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh".

Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền hình, sự xuất hiện của các công ty kinh doanh mua sắm trên truyền hình lớn đã giúp thị trường này phát triển khá mạnh tại Việt Nam. Các công ty kinh doanh mua sắm qua truyền hình đã xác định tầm nhìn dài hạn hơn, có năng lực tài chính tốt và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển kinh doanh mua sắm trên truyền hình, điều đó đã giúp thị trường bán hàng qua truyền hình đã từng bước hồi phục và mô hình kinh doanh này đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Qua bài "Nâng cao sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với mô hình bán hàng qua truyền hình", tác giả Lê Quốc Hiếu phần nào đã đưa ra được các giải pháp nâng cao sự chấp nhận mô hình bán hàng qua truyền hình của người tiêu dùng Việt Nam như một hình thức mua sắm mới khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm hàng hóa.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong nước không chỉ chịu sức ép cạnh tranh lẫn nhau, mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, việc thực hiện các chiến lược của doanh nghiệp cần được lên kế hoạch tính toán một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Để thực hiện được các kế hoạch này, việc đầu tư thu hút vốn, cũng như chính sách về vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực thi chiến lược. Bài viết "Đánh giá tác động của cấu trúc vốn tới năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp niêm yết" của tác giả Đỗ Kim Dư sẽ làm rõ thêm trên cơ sở dữ liệu từ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Việc thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm cho các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn trong việc phải đổi mới để theo kịp xu thế. Kinh doanh hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đồng bộ hóa, chuẩn hóa, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ. Với bài "Mô hình kiến trúc hướng dịch vụ hỗ trợ quản lý quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa", tác giả Trần Thị Kim Oanh phân tích và tổng hợp những vấn đề liên quan đến Quản lý quy trình kinh doanh (BPM - Business Process Management) và Kiến trúc hướng dịch vụ (SOA - Servive Oriented Architecture). Đồng thời, đánh giá thực trạng ứng dụng hệ thống thông tin quản lý trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay.

Một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ công là nghiên cứu chất lượng dịch vụ theo đánh giá của công dân, tức là cần lắng nghe “hệ thống khách hàng” của mình. TP. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nên chất lượng dịch vụ công của TP. Hà Nội có thể xem là đại diện phản ánh tình hình chung của cả nước. Qua bài "Nghiên cứu nhân tố tác động đến chất lượng dịch vụ hành chính công ở TP. Hà Nội" của tác giả Vũ Quỳnh sẽ giúp các cấp lãnh đạo của Thủ đô có các nhóm giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân./.