Đang có khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước có 2.815 xã (31,54%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 260 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vượt mục tiêu đề ra).

Cả nước cũng có 38 đơn vị cấp huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 08 huyện so với cuối năm 2016). Đạt mục tiêu đề ra và dự kiến đến hết năm 2017, có ít nhất 40-42 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Song, báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy, đang có khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn.

Cụ thể: Đồng bằng sông Hồng (1.088 xã – 57,6%), Đông Nam Bộ (257 xã – 56,61%), miền núi phía Bắc (281 xã – 12,32%), Tây Nguyên (119 xã – 19,83%), Đồng bằng sông Cửu Long (329 xã – 25,54%), Duyên hải Nam Trung Bộ (232 xã – 28,09%), Bắc Trung Bộ (509 xã – 32,05%).

Đặc biệt, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ; Đông Nam Bộ đạt kết quả cao trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Điển hình là: Hà Nội (255/386), Hải Dương (102/226), Nam Định (102/294), TP. Hồ Chí Minh (54/56), Bình Dương (42/49) đạt chuẩn NTM.

Trong khi một số địa phương lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Đơn cử là các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên kết quả đạt thấp, như: Cao Bằng (5/177), Bắc Kạn (3/110), Sơn La (3/188), Điện Biên (4/116), Đắc Nông (1/61)...

Đang có khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn

Cần phải làm gì?

Để giảm dần tiến đến xóa tình trạng chênh lệch giữa các vùng, miền và các địa phương trong xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, ngày 22/4/2017 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã dưới 5 tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương với hệ số phân bổ cao gấp 4-5 lần so với các xã không được ưu tiên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng một số Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù như: Đề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016- 2020”(Quyết định số 1573/QĐ-TTg, ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án “Thí điểm phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng gắn với xây dựng nông thôn mới các xã biên giới Việt – Trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”(Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai); Đề án xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ 27 xã biên giới của tỉnh Nghệ An xây dựng nông thôn mới; Đề án xây dựng NTM các xã CT229, các xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020.

Mới đây, Bộ Phát triển nông thôn cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương giao cho Bộ chủ trì xây dựng Đề án tổng thể hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020.

Ngoài ra, phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp.

Cùng với đó, phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả .

Đặc biệt, cần lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân./.