Gia Viễn thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu
Dựa vào lợi thế và tiềm năng của địa phương, có nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai thành công, qua đó đóng góp quan trọng cho đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh đó, huyện Gia Viễn, Ninh Bình đã chọn cho mình hướng đi riêng, đó là phát triển mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), để đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, nên chỉ tính riêng trong năm 2023, Huyện đã xét duyệt, đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 16 sản phẩm OCOP. Bao gồm: Xúc xích Cường Cúc, Mọc nấm hương Cường Cúc (thị trấn Me); Tâm sen sấy Đoàn Thoa, Hạt sen sấy Đoàn Thoa (xã Gia Trấn); Rượu nếp cái Ông Kim; Rượu nếp cau Ông Kim (xã Gia Sinh); Bánh đa Điềm Giang (xã Gia Thắng); Nón lá Gia Vượng (xã Gia Vượng); Ruốc cá chép Đức Tính, Ruốc cá trắm Đức Tính (xã Gia Minh); Mắm tép gia truyền Bà Tư (xã Gia Trung); Bộ sản phẩm thêu ren Sơn Lâm (khăn, túi) (xã Gia Lập); Mật ong nội hoa nhãn Tuệ Huệ (thị trấn Me); Na dai Ba Non (xã Gia Hòa); Cá nướng rơm Đại Hữu (xã Gia Phương); Cá trắm đen Vân Long (xã Gia Vân) (Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình).
Nón lá Gia Vượng là sản phẩm OCOP 3 sao
|
Như vậy, đến nay, toàn Huyện có 26 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Địa phương đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các hội chợ, triển lãm để có cơ hội quảng bá sản phẩm; học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã và đang tạo sức bật mới, góp phần khơi dậy tiềm năng, khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương, qua đó tăng thu nhập cho người dân, đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình đang được triển khai có hiệu quả tại nhiều nơi trên địa bàn Tỉnh, trong đó có huyện Gia Viễn. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, hàng năm, Gia Viễn đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn cho các chủ thể về ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ, phát triển sản phẩm. Đến nay, toàn Huyện có 26 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Bên cạnh đó, địa phương tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có cơ hội để quảng bá sản phẩm; học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hầu hết sản phẩm OCOP của Huyện đã được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và trực tiếp phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Chương trình đã động viên các chủ thể đổi mới, sáng tạo với nhiều cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế tại Gia Viễn vẫn còn nhiều sản phẩm tiềm năng, có lợi thế về nguyên vật liệu, nhưng chưa được khai thác, hoặc một số sản phẩm có chất lượng nhưng chỉ được biết đến ở địa phương. Chính vì thế thời gian tới, Huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu năm 2024 có thêm từ 5 - 10 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình).
Chọn phát triển hệ thống sản phẩm CCOP để tạo động lực cho hiện thực hóa thành công nhiều tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một cách đi riêng, độc đáo của Gia Viễn. Cách đi này vừa giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản của Huyện, vừa thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống nhiều mặt cho người dân, từ đó tạo động lực để họ tiếp tục sáng tạo, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP trong thời gian tới./.
Bình luận