Điểm nhấn của mô hình nông thôn mới thông minh ở Vĩnh Phúc
Các tiêu chí về nông thôn mới thông minh đã được quy định khá rõ nét tại Quyết định số 1127/QĐ-BTTT, ngày 22/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về công bố các chỉ tiêu thuộc tiêu chí thông tin và truyền thông của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, như: (i) Thuê bao sử dụng điện thoại thông minh: Xã có tỷ lệ dân số theo độ tuổi lao động có thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt: Tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; tối thiểu 80% đối với các xã còn lại; (ii) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội: Xã đáp ứng đủ các điều kiện sau: tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiếu 50%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt: tối thiểu 80% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và 100% đối với các xã còn lại; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản đạt: tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; tối thiểu 70% đối với các xã còn lại; 100% sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử…
Từ quy định trên, các địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai xây dựng các mô hình nông thôn mới thông minh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cán bộ xã Ngũ Kiên hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng. Ảnh Bích Phượng |
Trong hành trình trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Tỉnh, một trong những kết quả nổi bật ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường là sự chủ động ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế, quản lý địa bàn. Đến nay, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; 100% địa điểm công cộng và các hộ dân đều phủ sóng 3G, 4G; 30/30 hộ kinh doanh đều có mã QR để người mua hàng thanh toán; trên 91% công dân trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến; 100% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% hộ dân đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục… Tại UBND Xã, 100% văn bản cấp xã đã được ký số luân chuyển trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức, viên chức có máy tính kết nối mạng internet và tương tác công vụ qua môi trường mạng... (Bích Phượng, 2023).
Kết quả trên đã góp phần hiện đại hóa bộ mặt nông thôn, qua đó mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Từ kết quả tích cực này, Vĩnh Phúc tiếp tục có những bước đi để nhân rộng mô hình nông thôn mới thông minh, nông thôn số trong thời gian tới bằng nhiều giải pháp cụ thể.
UBND Tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, chương trình xây dựng nông thôn mới tại Tỉnh được xây dựng đồng bộ, thống nhất với ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử; có ít nhất 40% đơn vị cấp huyện, cấp xã cung cấp ít nhất 1 dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới qua ứng dụng trực tuyến; ít nhất 70% các xã có hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (Bích Phượng, 2023).
Với những kế hoạch rõ ràng như trên, đồng thời từ những kết quả thực tế đã đạt được, một khi cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thành công trong huy động hiệu quả hơn nữa sự đóng góp sức người, sức của từ người dân, thì nỗ lực xây dựng nông thôn mới thông minh, nông thôn số sẽ còn đạt được những bước tiến tích cực hơn nữa trong thời gian tới./.
Bình luận