Quy định tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP: Đang có nhiều
Ảnh minh hoạ - (Nguồn: ocop.gov.vn )

Nhiều vấn đề trong thực hiện tiêu chí phải có sản phẩm OCOP đạt chuẩn

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn. Bên cạnh đó, theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, chủ thể của sản phẩm OCOP phải là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Trên địa bàn các xã, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề hay du lịch đều có. Tuy nhiên, để được chấp nhận là sản phẩm OCOP cần phải đáp ứng được các điều kiện nói trên.

Tiểu mục II Mục 2 Chương II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1680/QĐ-BNN-VPĐP , ngày 11/5/2022 hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 quy định như sau:

- Có ít nhất 01 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên còn thời hạn theo quyết định của UBND cấp tỉnh hoặc quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Có ít nhất 01 sản phẩm chủ lực của xã đáp ứng các điều kiện sau:

+ Sản xuất gắn với vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định.

+ Có thương hiệu sản phẩm (được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý).

+ Có bao bì, nhãn mác theo quy định.

+ Có kênh phân phối ổn định và hiệu quả (tỷ trọng sản phẩm chủ lực được tiêu thụ qua kênh phân phối ≥50%/năm) trong ít nhất 02 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã NTM nâng cao.

Cũng do áp lực về tiêu chí cứng trong NTM nâng cao nên hiện nhiều địa phương “chạy đua” để có được sản phẩm OCOP dù sản phẩm đó không có ưu thế, không mang tính đặc trưng, đặc thù. Do đó, không ít sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự suy giảm về mặt chất lượng, số lượng. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương na ná nhau: Mật ong, tinh bột nghệ, giò bê, ngũ cốc…

Do chạy theo thành tích, phấn đấu được chứng nhận OCOP để được công nhận NTM nâng cao mà chưa chú trọng đến hiệu quả kinh tế mang lại, đến mục đích, ý nghĩa của chương trình nên nhiều sản phẩm sau khi “xếp hạng” là “xếp xó”, hoặc do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển, hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất phải đưa ra khỏi chương trình.

Nhiều địa phương còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn hạn hẹp, các chủ thể sản xuất OCOP còn thiếu địa điểm để quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến người tiêu dùng, vẫn còn nhiều người chưa biết đến sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, tính chủ động quảng bá thương hiệu, hàng hóa của chính cơ sở sản xuất sản phẩm đang còn rất hạn chế. Việc tìm kiếm thị trường đang đi theo lối mòn cũ, thiếu tính tư duy đột phá, nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm đang chưa cao.

Việc xây dựng sản phẩm OCOP gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu), theo lộ trình đến năm đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng đến nay, xã vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng. Ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Dù là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với một số sản phẩm đặc trưng như: rau màu, cà, ngô, lạc nhưng hiện tại, xã vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Qua khảo sát, đánh giá, nguyên nhân là do các sản phẩm trên người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.

Bên cạnh đó, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Quy định tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP: Đang có nhiều
Sản phẩm 4 sao phải có giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, trong khi thủ tục để được cấp rất lâu. Ảnh minh họa

Nhiều khó khăn trong công nhận lại và nâng hạng các sản phẩm OCOP

Không chỉ có khó khăn để được công nhận là sản phẩm OCOP, mà việc giữ vững hoặc nâng hạng sản phẩm OCOP cũng gặp nhiều khó khăn.

Chương trình xây dựng NTM đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.

Theo quy định, sản phẩm khi hết hạn công nhận sản phẩm OCOP (36 tháng kể từ ngày công nhận), thì chủ thể có nhu cầu phải chuẩn hóa hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm. Đây là việc làm cần thiết để tránh việc kinh doanh gián đoạn, thay đổi nhãn mác, bao bì. Đồng thời tạo sự yên tâm với người tiêu dùng khi chọn các sản phẩm hết hạn công nhận OCOP vẫn đang bày bán ở các cửa hiệu kinh doanh, siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch…

Tuy nhiên, do bộ tiêu chí mới công nhận sản phẩm OCOP có nhiều thay đổi, yêu cầu cao ở nhiều tiêu chí và tốn nhiều thời gian để làm hồ sơ, chứng từ do đó nhiều chủ thể băn khoăn, lo lắng khi đăng kí công nhân nhận lại.

Theo quy định, việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Tại Nghệ An, trong số 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, thì có 48 sản phẩm OCOP đã hết hạn vào đầu tháng 4/2023. Qua tìm hiểu, có khá nhiều sản phẩm đã quá thời hạn được công nhận sản phẩm OCOP, nhưng vẫn chưa “chịu” đánh giá lại.

Lý giải cho hiện trạng này, ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã chỉ ra một số vướng mắc trong đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP. Đó là: Thứ nhất, do không có tiền thưởng như được công nhận lần 1 nên các chủ thể không mặn mà; Thứ hai, một số chủ thể xác định đánh giá lại cũng khó “nâng hạng” sao nên không tham gia đánh giá lại; Thứ ba, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí trong việc lập hội đồng để đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đến hạn; Thứ 4, lý do khách quan là cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 148 “về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” nên một số địa phương vừa tiếp cận, chưa kịp triển khai và còn những lúng túng nhất định.

Mặt khác, trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 đang là UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp thì hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên họ xem đó như “tụt hạng” nên không muốn tham gia đánh giá, công nhận lại.

Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, năm 2023, toàn tỉnh có 89 sản phẩm hết hạn công nhận hạng sao OCOP, song hiện chỉ có 30 sản phẩm đăng ký công nhận lại.

Như trường hợp HTX Nông dược xanh Tiên Phước, 2 sản phẩm 4 sao OCOP là tinh dầu sả và tinh dầu quế hiện đã hết thời hạn công nhận hạng sao OCOP. Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước khảo sát, hướng dẫn HTX thủ tục đăng ký công nhận lại sản phẩm. Song, vì nhiều nguyên nhân, HTX này không tham gia đánh giá phân hạng trong năm nay.

Theo ông Võ Hưng - Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), qua ghi nhận thực tế ở các chủ thể và so sánh với Bộ tiêu chí đánh giá trước đây, phần lớn những khó khăn, vướng mắc nằm ở quy mô sản xuất và điều kiện về chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, về quy mô sản xuất, các chủ thể phải có năng lực, quy mô sản xuất trung bình trở lên. Trong khi bộ tiêu chí chưa quy định quy mô thế nào là nhỏ, trung bình hoặc lớn.

Về điều kiện chứng nhận sở hữu trí tuệ quy định, sản phẩm 4 sao phải có giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, trong khi thủ tục để được cấp rất lâu. Thực tế đã có trường hợp chủ thể đã nhận quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, song hơn 3 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều này gây khó khăn cho việc nâng cấp hạng sao OCOP của các chủ thể.

Một số khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế

Cần tri thức hóa, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê. Thay đổi cách tiếp cận về OCOP, để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP. Một sản phẩm OCOP phải thể hiện được hình ảnh của người tạo ra OCOP

Để khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm OCOP, các chuyên gia đề nghị cần chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế của địa phương và yêu cầu của thị trường. Thực hiện rà soát, kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố và cấp huyện.

Xây dựng quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, phân công trách hiệm cụ thể cho các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn của tỉnh.

Tổ chức triển khai Chương trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm. Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Các chủ thể OCOP cần tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.../.