Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2021-2023, tổng vốn ngân sách các cấp đã bố trí trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở Bình Định là 1.654,095 tỷ đồng. Chương trình cũng đã huy động được 38.482,9 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội. Trong đó, nguồn vốn tín dụng 37.927 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác khoảng 474,7 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của người dân và cộng đồng ước khoảng 71,162 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác khoảng 10,05 tỷ đồng.

Chương trình nông thôn mới làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn tỉnh Bình Định
Chương trình nông thôn mới làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn tỉnh Bình Định

Có thể thấy, qua nửa chặng đường thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình ục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Định đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới; hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng nên những vùng nông thôn văn minh; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững ổn định tạo niềm tin cho người dân để cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 và phong trào thi Phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của Tỉnh và thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, góp phần tạo nên sự thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nhất là đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đến nay, toàn Tỉnh có 111 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 5 đơn vị cấp huyện (TX. An Nhơn, TX. Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm 2023, sẽ có 90/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 81%; 24/90 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ 26%; 1/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ 1,10%; 7/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng cho rằng, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn và hạn chế. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu dự hội nghị chỉ rõ, như: Bộ máy giúp việc thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chưa được quy định rõ ràng, cụ thể từ Trung ương đến cơ sở gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn này quy định một số nội dung chưa sát với thực tế, trong đó có tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải nguy hại ở hộ gia đình…

Tiêu chí văn hóa quy định trung tâm văn hóa - thể thao xã tách biệt với khu hành chính xã, trong khi giai đoạn 2016-2020 phần lớn các xã có trung tâm văn hóa - thể thao gắn liền với khu hành chính xã. Tỷ lệ tăng hằng năm của tiêu chí thu nhập là rất cao (bình quân mỗi năm tăng thêm 5 triệu đồng/người) sẽ là thách thức không nhỏ cho các địa phương duy trì đạt chuẩn tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn lực của Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình giai đoạn này còn thấp (chỉ bằng 50% của giai đoạn 2016-2020). Trong khi bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định cao hơn, các xã thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này hầu hết là các xã khó khăn, cần nhiều nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn Tỉnh phấn đấu có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 37 số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực vùng núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Tỉnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong điều hành, lãnh đạo. Các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà các xã, huyện chưa đủ (nguồn lực của các doanh nghiệp, người dân bên cạnh nguồn vốn ngân sách) để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng, nâng cao các mô hình sản xuất để tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân cần được các sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai. Các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí đạt được, trong đó có tiêu chí về môi trường.

Cùng với đó, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn 2021-2026; toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn...). Chính quyền cấp huyện, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới, qua đó sớm có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn./.