Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại Việt Nam.

Thay đổi cách tiếp cận về OCOP
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Ảnh minh họa

Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành 1/8/2022, theo Quyết định số 919/QĐ-TTg. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nong thôn, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao ở vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen Hồng tỉnh Đồng Tháp.

Các địa phương tiếp tục chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là về phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng sản phẩm OCOP… điển hình như: Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre…

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác triển khai Chương trình, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo đẩy mạnh công tác triển khai, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, điển hình như: Lai Châu, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau,...

100% các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu: “Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình một vai trò 'đại sứ' của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn. Ngày nay, các sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu dùng, các sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Sau hơn 13 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới bên cạnh sự khởi sắc, nổi bật, về diện mạo nông thôn, kinh tế nông thôn có đã có sự thay đổi rõ rệt, góp phần vào quá trình phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập của nền kinh tế đất nước.

Cùng với đó, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, cả nước đã có hơn 10.810 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, của 5610 chủ thể OCOP, trong đó có gần 38% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp và hơn 35% là các cơ sở sản xuất - hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 2.050 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên, với hơn 920 chủ thể OCOP, trong đó hơn 28% là doanh nghiệp, gần 19% là hợp tác xã và hơn 52% là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã có những tiếp nhận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: trái cây, thủy sản, lúa gạo… để phát triển sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Tuy nhiên, bản thân các sản phẩm OCOP lại có những tồn tại, hạn chế riêng. Đó là: quy mô nhỏ, sản phẩm chưa hoàn thiện, năng lực của các chủ thể còn hạn chế… về cả nguồn lực tổ chức sản xuất và thương mại. Vì vậy rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp phân phối và cả người tiêu dùng.

Thay đổi cách tiếp cận về OCOP, để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đề ra ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, tương ứng với các phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, lựa chọn sản phẩm. Đưa sản phẩm OCOP lên các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...) sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nếu các chủ thể bán hàng tăng cường ứng dụng các giải pháp mới (livestream bán hàng, tham gia chợ OCOP online, kết nối cung - cầu trực tuyến, xây dựng gian hàng thực tế ảo về sản phẩm OCOP,…) sẽ giúp phổ cập nhanh thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng.

Để Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề xuất mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và bổ sung cho trung tâm này chức năng đào tạo người dân khởi nghiệp, làm sản phẩm nông nghiệp.

“Cần tri thức hóa, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê. Thay đổi cách tiếp cận về OCOP, để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP. Một sản phẩm OCOP phải thể hiện được hình ảnh của người tạo ra OCOP”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.