Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018-2020 là một trong 4 hội nghị quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 cùng với 3 hội nghị đã được tổ chức trước đó về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (ở Hà Tĩnh), triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (ở Bắc Giang) và xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở các xã khó khăn (tại tỉnh Điện Biên).

Toàn cảnh Hội nghị

Doanh nghiệp đóng góp 43% kinh phí thực hiện Chương trình

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/QĐ-TTg, ngày 5/01/2012 với tổng kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước là 221 tỷ đồng. Đến ngày 12/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/QĐ-TTg, ngày 5/01/2012.

Từ năm 2012 đến hết năm 2017, Chương trình đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn I (2011-2015), trong đó một số nhiệm vụ được chuyển tiếp thực hiện trong hai năm 2016-2017, đồng thời triển khai các nhiệm vụ của giai đoạn II từ năm 2017.

Nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, Chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình (386 tỷ đồng).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình triển khai chậm chạp trong những năm đầu vì vướng nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, giải ngân vốn nhưng đã nỗ lực triển khai được 69 đề tài, dự án. Các nhiệm vụ đều bám sát các mục tiêu và 6 nhóm nội dung được giao tại Quyết định số 27/QĐ-TTg và nhu cầu cấp bách của xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới, các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng nông thôn mới...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá Chương trình đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu được giao, đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách và chuyển giao ứng dụng có hiệu quả.

Chương trình đã nghiên cứu mô hình, chuyển giao và thực hiện được khoảng 150 mô hình trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ kết quả ứng dụng thiết bị kỹ thuật vào sản xuất của các đề tài, dự án, có thể đánh giá: Thủy lợi đóng góp 35%-40%; khâu giống đóng góp 25%-30%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25%-30% vào tổng năng suất tăng thêm trong lĩnh vực trồng trọt.

Cụ thể, các mô hình thủy lợi đã góp phần làm gia tăng mực nước ngầm trong đồi cát từ 2,5-4,0 m phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt; giảm giá thành đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch, thủy lợi nội đồng; tiết kiệm nước tưới 20%-30%, đồng thời tăng năng suất cây trồng trên 10%; giúp nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng hiệu quả 5-7 lần; cải thiện điều kiện môi trường, bảo vệ đất chống bạc màu, xói mòn, giảm phát thải 1,5 tấn CO2/vụ/ha lúa, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Về ứng dụng năng lượng tái tạo: Các mô hình có ý nghĩa lớn khi được thực hiện ở vùng ven biển và hải đảo (Quảng Ngãi, Nam Định), ứng dụng năng lượng mặt trời để lọc nước biển, nước lợ thành nước ngọt sinh hoạt. Đã chế tạo được 200 bộ thiết bị, giảm chi phí 15%-20% so với thiết bị nhập ngoại. Đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 70-90 hộ dân tại Giao Thủy (Nam Định) và 800-1.000 học sinh và giáo viên ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)...

Đặc biệt có nhiều mô hình hiệu quả cao về liên kết doanh nghiệp – nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30%-35% đối với rau màu, 10%-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Nông dân ở nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ các mô hình này.

Trong số 147 mô hình của các dự án có 87 mô hình đã và đang được các địa phương nhân rộng. Các mô hình khác đang tiếp tục chuyển giao cho địa phương. Có những mô hình được nông dân nhanh chóng tiếp nhận, nhân rộng trên diện tích đến hàng nghìn ha; có dự án đã tác động thành lập thêm hàng chục hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn.

Cần có cơ chế lồng ghép nguồn lực một cách hiệu quả

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, Chương trình còn gặp một số hạn chế, như: thủ tục hành chính trong tuyển chọn, phê duyệt đề tài, dự án kéo dài và kinh phí hạn hẹp. Đến hết năm 2015 còn 49 đề tài, dự án phải triển khai thực hiện trong 2 năm chuyển tiếp 2016-2017.

Một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng nông thôn mới. Một số kết quả nghiên cứu chất lượng chưa cao hoặc chậm được chuyển giao để sử dụng, tác động và hiệu quả đối với thực tế còn hạn chế.

Nguyên nhân Chương trình được triển khai chậm (từ 12/2013) do phải mất thời gian chờ hoàn tất các cơ sở pháp lý. Kinh phí cấp cho các nhiệm vụ cũng muộn, chính thức từ năm 2015.

Để rút kinh nghiệm và triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2016- 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần sớm hoàn thành xây dựng các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình.

Việc đề xuất nhiệm vụ phải bám sát khung mục tiêu, nội dung của Chương trình, chỉ đạo của Trung ương, nhu cầu thực tế từ các địa phương. Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia các đề tài, dự án.

Có phương thức thích hợp để tổ chức nông dân, trực tiếp mang lại lợi ích cho họ, thông qua đó nhân rộng có hiệu quả các mô hình. Có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các ngành khoa học và công nghệ, các chương trình khoa học công nghệ các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Biểu dương những thành tựu đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình giai đoạn 2012-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Chương trình cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Đồng thời, cần sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình. Ngoài ra, cần có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; gắn nghiên cứu mới với đúc kết bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tế, góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành.

Hơn nữa, cần có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình Khoa học công nghệ các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là phối hợp có hiệu quả với 3 Chương trình Khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đặc thù và các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người./.