Ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng nghiêm trọng đang là "rào cản" ngăn các xã đến đích chuẩn nông thôn mới

Yêu cầu ngày càng cao

Trước đây, việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn được dựa vào bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện bộ tiêu chí này đã được điều chỉnh theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 và Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ tiêu chí huyện, xã nông thôn mới được ban hành có nhiều điều chỉnh so với giai đoạn trước, trong đó tiêu chí môi trường từ 5 chỉ tiêu tăng lên là 8 chỉ tiêu, với nhiều nội dung mới (nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi...). Một số quy định đã khắt khe hơn (tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định).

Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “nghiên cứu, chỉ đạo thí điểm các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; đề xuất các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Đây là thử thách không dễ vượt qua, bởi, ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang là một bài toán khó giải.

Đã vậy, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, việc đề ra tiêu chí đánh giá còn chưa rõ ràng ảnh hưởng tới việc đề ra mục tiêu phấn đấu của cả tỉnh và từng huyện, xã.

Đặc biệt, tại một số tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường kiểu mẫu nên có sự khác nhau giữa các huyện trong cùng một tỉnh.

Việc thực hiện tiêu chí môi trường tại thời điểm khảo sát của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tại nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn 2010-2015 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg.

Cần phải làm gì?

Để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã công nhận đạt chuẩn nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đề xuất một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là cần rà soát lại tổng thể việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn trước ngày 01/12/2016 (là thời điểm Quyết định số 1980/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành).

Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa được đánh giá trong giai đoạn trước, các địa phương cần có lộ trình thực hiện và đánh giá lại nhằm đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới. Việc đánh giá cần được thực hiện khách quan, không du di và châm chước và không vì mục tiêu giữ vững số lượng xã đã công nhận đạt chuẩn mà bỏ qua các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường.

Muốn vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo Quyết định số1980/QĐ-TTg để các địa phương làm căn cứ thực hiện.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu làm căn cứ để áp dụng thống nhất trong cả nước. Các tỉnh, thành phố cần chủ động nghiên cứu, đề xuất bộ các tiêu chí có thể áp dụng cho địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được những vấn đề có tính bức xúc như chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề...

Đối với các địa phương đã ban hành bộ tiêu chí kiểu mẫu, đặc biệt là những địa phương ban hành trước khi Quyết định số 1980/QĐ-TTg có hiệu lực như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, cần rà soát lại để đảm bảo các tiêu chí kiểu mẫu không thấp hơn so với yêu cầu của Quyết định số 1980/QĐ-TTg. Bên cạnh đó cần nghiên cứu và tổ chức mô hình thí điểm về xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến các quy định bắt buộc về bảo vệ môi trường thành đạo đức, lối sống của nhân dân thông qua các hương ước, quy ước; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường.

Ngoài ra, cần có các mô hình điểm trong việc thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường tại địa phương, từ đó nhân rộng ra các xã khác trong tỉnh, thành phố (mô hình phải giải quyết được các mục tiêu như trồng cây xanh như thế nào là phù hợp, việc quản lý các tuyến đường ra sao để không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng như thế nào trong việc giám sát chất lượng cảnh quan...). /.