Hậu quả của một phong trào

Tạp chí Kinh tế và Dự báo gần đây đã đăng tải một số bài viết về tác hại của thủy điện cũng như khuyến nghị về việc hài hòa giữa lợi ích của thủy điện và sinh kế của người dân. Đây thực sự là một vấn đề cấp bách và trong kỳ họp Quốc hội ngày hôm qua (30/10), vấn đề này lại được đưa mổ xẻ, bởi sự hoan nghênh của các đại biểu Quốc hội khi Chính phủ quyết định loại bỏ khỏi Quy hoạch 424 dự án. Thậm chí, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong thời gian tới sẽ còn rà soát loại bỏ tiếp những thủy điện không khả thi.

Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Quốc hội mới đây, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, quá nhiều thủy điện “nở rộ” là hậu quả một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện. Khi đó, nhu cầu điện đang có nguy cơ thiếu, trái đất nóng lên, sản xuất, kinh doanh lại đang phát triển mạnh. Nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh rất là thiếu.

Các doanh nghiệp hy vọng đầu tư vào thủy điện sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch khi đó làm chưa được đầy đủ. Vì thế, số doanh nghiệp tham gia làm thủy điện nhiều, có những công trình đạt chất lượng nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng.

Trong khi số lượng thì tràn lan, chất lượng của các thủy điện cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ còn hạn chế. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Số lượng dự án thủy điện nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Khoảng 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều.

Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát. Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Cần làm rõ trách nhiệm tham mưu

Việc rà soát, loại bỏ 424 dự án thủy điện không phù hợp với Quy hoạch thủy điện thể hiện được tinh thần phát triển bền vững, trên nền tảng bảo vệ môi trường.

Bên lề Quốc hội, trả lời báo giới, đại biểu Trương Văn Vở cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm trong quy trình quy hoạch thủy điện, bao gồm cả trách nhiệm của địa phương, chính quyền địa phương và bộ, ngành liên quan.

Đại biểu nhấn mạnh phải chỉ rõ trách nhiệm chủ thể trong quá trình làm tham mưu cho Chính phủ bổ sung quy hoạch hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và cả 6 dự án thủy điện bậc thang (vừa qua đã bị loại khỏi quy hoạch) bởi đây là những dự án rất quan trọng, ảnh hưởng đến lưu vực sông vùng hạ lưu. Đặc biệt, cần xác định rõ diện tích đất rừng bị mất do thủy điện là bao nhiêu, trách nhiệm đó thuộc về ai, từ đó tránh hệ lụy sau này là phải tái lập việc thủy điện làm không đúng quy trình, quy hoạch, vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng theo quy định của Luật.

Vì vậy, trong thời gian tới, để đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất với Quốc hội ban hành “Nghị quyết Quy hoạch về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện”.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch phân ngành năng lượng, trong đó có quy hoạch thủy điện. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phải loại bỏ các dự án đầu tư khỏi quy hoạch vừa qua, gây lãng phí, tốn kém nguồn lực, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hoàn thiện hệ thống văn bản về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Đặc biệt, cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm về an toàn đập, hồ chứa; cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, sau tái định cư với các công trình thủy điện, nhất là thành lập Ủy ban lưu vực sông lớn, nhằm tăng cường việc giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, nhất là hồ chứa bậc thang.

Giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình thủy điện./.