Xuất khẩu là “điểm sáng” 9 tháng qua

Trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng nay cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,02%, dịch vụ tăng khoảng 6,25%.

Như vậy, mức tăng GDP đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước (4,73%) và có sự nhích lên qua từng quý (quý I: 4,89%, quý II: 5%).

Ước 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 5,3% trong 8 tháng đầu năm. Từ những thống kê này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Có thể thấy sản xuất công nghiệp có chiều hướng cải thiện, khu vực dịch vụ tiếp tục sôi động và đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản lại đạt thấp nhất trong 10 năm trở lại đây".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dẫn số liệu về sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng được 8,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, điện thương phẩm cấp cho ngành công nghiệp và xây dựng là 44,8 tỷ Kwh tăng 8,59%, điện cấp cho nông lâm nghiệp và thủy sản là 1,16 tỷ Kwh tăng 16,2%. Lượng điện tiêu thụ của ngành thương nghiệp, khách sạn nhà hàng cũng tăng được 8,1% so với cùng kỳ. “Thông qua tăng trưởng của ngành điện và lượng tiêu thụ điện năng cao hơn so với cùng kỳ năm trước có thể nhận thấy sản xuất công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản đang phục hồi”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân nhận định.

Ông Bùi Hà cũng cho rằng, xuất khẩu là điểm sáng nhất trong tình hình kinh tế 9 tháng qua. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012. Nhập khẩu ước 96,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu của 9 tháng khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu tuy là điểm sáng nhưng vẫn chủ yếu là do các doanh nghiệp có vốn FDI đem lại. Riêng khu vực FDI xuất siêu gần 4 tỷ USD ( không kể dầu thô).

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 6,2% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, khu vực dịch vụ vẫn có mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Tổng cục Thống kê công bố là tăng 1,06% so với tháng 8. Như vậy, từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng tổng cộng 4,63%. Nhóm hàng hóa tác động mạnh nhất đến CPI tháng này là giáo dục với mức tăng tới 9,38% (trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 10,66%). Điều này cũng không khó hiểu bởi tháng 9 là thời điểm bước vào năm học mới, nhu cầu đối với các mặt hàng trong nhóm này tăng mạnh. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng có mức tăng 1,33% so với tháng 8.

Nhìn chung tình hình kinh tế 9 tháng, về số liệu thống kê, các chỉ số chính đều có mức tăng cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước và đã có thể nhận định rằng những lo ngại về tổng cầu yếu đã tạm vơi, và những chính sách hỗ trợ tổng cầu đã bước đầu có kết quả.

Cần thận trọng trong điều hành vĩ mô

Trước những số liệu báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đào Quang Thu lưu ý rằng, “không nên quá lạc quan trước những con số báo cáo. Việc đánh giá tình hình 9 tháng rất quan trọng để có giải pháp đúng cho thời gian tới. Bởi, hiện nay có nhiều chiều ý kiến đánh giá khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nền kinh tế đã vượt đáy, với nhiều chỉ tiêu quan trọng có diễn biến tháng sau cao hơn tháng trước. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước là diễn biến năm nào cũng thế. Vậy các bộ, ngành và địa phương cần nhận định xu hướng kinh tế cho đúng, liệu có khởi sắc hay vẫn như thế?”.

Ông Thu nhận định, cho dù ở góc nhìn lạc quan nhất cũng thấy rằng, sự cải thiện là rất nhỏ và tình hình của nền kinh tế vẫn còn mong manh. Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III lại giảm chỉ đạt trên 19.300 đơn vị, với tổng vốn gần 87.800 tỷ đồng (giảm 17% về lượng và 23% về vốn so với quý trước). Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có hơn 58.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 281.360 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 22% về vốn.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm là gần 11.300, chủ yếu tập trung vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.060 doanh nghiệp), xây dựng (1.918 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến chế tạo (1.628 doanh nghiệp).

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cho dù thành phố này đã đẩy mạnh việc kết nối các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trên tất cả 24 quận/huyện nhưng mới chỉ cho vay được 8.781 tỷ đồng cho 415 doanh nghiệp và 600 hộ sản xuất bởi hàng tồn kho vẫn cao, nhịp độ sản xuất của doanh nghiệp vẫn thấp. Vì thế, doanh nghiệp vẫn chưa muốn vay vốn ngân hàng./.