2 phương án xây dựng Bộ chỉ số NLCT

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ KH&ĐT) đã trình bày nội dung dự thảo của Đề án xây dựng Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá NLCT quốc gia.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nên tiếp cận một cách thực tiễn trong phương pháp đánh giá NLCT. Ở phương án 1: Dựa trên khung đánh giá NLCT theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, báo cáo chuyên sâu về NLCT tập trung phân tích sâu thực trạng các nhân tố (được thể hiện cụ thể qua các chỉ số) thuộc nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả, vì đây là nhóm yếu tố Việt Nam cần hướng tới để vị thế NLCT được xếp trong nhóm quốc gia phát triển giai đoạn 2. Đồng thời, các chỉ số này của Việt Nam cần được so sánh với các quốc gia khác nhằm xác định tương quan NLCT và khoảng cách về NLCT của Việt Nam so với các quốc gia đó. Việc xác định khoảng cách NLCT của Việt Nam so với các quốc gia có chỉ số tốt nhất là hữu ích để đưa ra các giải pháp nâng cao các chỉ số NLCT Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo chuyên sâu sẽ kiến nghị chính sách nhằm cải thiện các chỉ số thuộc nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả nhằm nâng vị thế của Việt Nam lên nhóm quốc gia phát triển giai đoạn 2 - giai đoạn phát triển mà động lực là hiệu quả.

Theo phương án 1, có 6 nhóm yếu tố được tập trung phân tích sâu trong Báo cáo chuyên sâu về NLCT, bao gồm: đào tạo và giáo dục bậc cao; hiệu quả thị trường hàng hóa; hiệu quả thị trường lao động; sự phát triển của thị trường tài chính; mức độ sẵn sàng về công nghệ; quy mô thị trường.

Ở phương án 2: Báo cáo chuyên sâu về NLCT thực hiện dựa trên khung đánh giá NLCT theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việc thiết kế Bộ chỉ số, thông tin và dữ liệu về các chỉ số được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát ý kiến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia; xác định 20 vấn đề (chỉ số) quan trọng nhất cần được cải thiện.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong hai phương án, phương án 1 có thể là lựa chọn phù hợp với Việt Nam hiện nay, vì theo cách tiếp cận này sẽ cho thấy được bức tranh toàn cảnh về NLCT quốc gia, song tập trung và có trọng tâm hơn vào các yếu tố có tầm quan trọng nhất với giai đoạn phát triển của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Cung nhấn mạnh: “NLCT vi mô là rất quan trọng, đây là yếu tố nâng cao năng suất, quyết định NLCT. Tái cơ cấu đòi hỏi phải tăng NLCT vi mô”.

Vì sao cần bộ chỉ số NLCT?

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đề án xây dựng Bộ chỉ số NLCT quốc gia ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những đổi mới trong 2 thập kỷ qua. Từ một nền kinh tế khép kín, kinh tế Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu, mức sống người lao động được nâng cao, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư… Song nền kinh tế Việt Nam đã và đang bộc lộ những tồn tại, NLCT của nền kinh tế còn kém.

Tại Báo cáo NLCT Việt Nam năm ba năm về trước đã chỉ ra ba nhóm vấn đề lớn mà Việt Nam đang đối mặt, đó là:

Thứ nhất, mất cân đối kinh tế vĩ mô: mất cân đối với cán cân thương mại và tài khoản vãng lai, mặc dù được coi là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, thâm hụt thương mại của Việt Nam ngày càng tăng; mất cân đối tiết kiệm – đầu tư, quan ngại về khả năng trang trải các thâm hụt đối ngoại của Việt Nam ngày càng tăng với mức nợ công tăng lên và dự trữ ngoại hối giảm đi đáng kể, ảnh hưởng tới triển vọng của nền kinh tế; Lạm phát và tỷ giá hối đoái, trong những năm qua ngày càng dao động mạnh, với xu hướng tăng lên đáng kể. Khi Việt Nam vẫn duy trì tỷ giá danh nghĩa ở mức ổn định, lạm phát dẫn tới tỷ giá thực hiện có hiệu lực tăng lên, buộc Việt Nam phải liên tục phá giá đồng tiền.

Các mất cân đối vĩ mô này có thể làm phát sinh khủng hoảng, khi niềm tin bị xói mòn và các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Việt Nam. Phản ứng chính sách gần đây của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, nhưng phản ứng chính sách cho tới nay vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để giải quyết các thách thức một cách toàn diện, có hệ thống.

Thứ hai, các nút thắt cổ chai về kinh tế vi mô:

- Thiếu hụt kỹ năng lao động và hạ tầng, các doanh nghiệp phàn nàn ngày càng nhiều về tình trạng không tìm được các lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu về sự thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, logistics và năng lượng.

Tỷ lệ giải ngân và tác động lan tỏa tích cực của khu vực FDI thấp, FDI ngày càng tập trung vào lĩnh vực bất động sản và các ngành sử dụng nhiều lao động; chưa thấy rõ tác dụng lan tỏa tích cực của khu vực FDI đối với khu vực trong nước.

Mối quan hệ giảm dần giữa đầu tư và tăng trưởng. Khu vực DNNN chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội và là nhân tố góp phần gây ra hiệu quả đầu tư thấp của toàn nền kinh tế.

Thứ ba, các yếu tố nền tảng của NLCT:

- Khu vực xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, các hoạt động sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu tại Việt Nam hầu như dựa hoàn toàn vào đầu vào nhập khẩu;

- Lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam đang giảm dần, trong khi năng suất chỉ được cải thiệu không đáng kể nhờ nâng câó cơ sở hạ tầng, thì chi phí và lạm phát lại tăng nhanh hơn. Lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam đang dần mất đi khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng cạnh tranh bằng việc cung cấp một lượng lớn lao động giá rẻ.

- Các sản phẩm của Việt Nam có năng suất thấp hơn so với các sản phẩm nhập khẩu. Trong một số ngành có thể thấy rõ ràng rằng các công ty nước ngoài đã đánh bại cácnhà sản xuất trong nước, mặc dù họ có mức chi phí cao hơn, nhưng bù lại họ có năng suất cao hơn, hệ thống phân phối tốt hơn.

Điều đáng nói là hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh rằng, 3 vấn đề đã nêu trong 3 năm trở về trước vẫn còn nguyên chưa được giải quyết triệt để.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, rất nhiều cảnh báo tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010 với sự giúp đỡ của Giáo sư Porter đã bị bỏ qua. Cụ thể, ông Porter đã từng cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ kinh tế khi thấy các dự án xây dựng, bất động sản mọc lên khắp nơi vào năm 2010, song tín dụng và bất động sản vẫn chảy ào ạt vào thị trường này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra nuối tiếc: “Giá như ngày đó ta tiếp thu một vài điểm thì nền kinh tế có lẽ sẽ không khó khăn như hiện nay”.

Chính vì thế, TS. Lê Bá Ân – Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao NLCT quốc gia nhấn mạnh, nhiệm vụ của Đề án chọn ra những điểm then chốt để góp ý cải thiện NLCT của quốc gia. Trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến.

Việc đề ra Bộ chỉ số này không tập trung vào xếp hạng Việt Nam về tổng thể so với các quốc gia khác do đã có nhiều xếp hạng và chỉ số toàn cầu thực hiện việc này. Thay vào đó, báo cáo đi sâu vào phân tích các nguyên nhân gốc rễ đằng sau những kết quả thực hiện hay các xếp hạng của Việt Nam, dựa trên việc phân tích các yếu tố nền tảng của NLCT. Bộ chỉ số cung cấp một cái nhìn tổng tể về nền kinh tế Việt Nam ở cấp quốc gia; việc đánh giá NLCT ở cấp độ ngành hoặc địa phương nằm ngoài phạm vi của báo cáo năm nay, nhưng sẽ được giải quyết trong các báo cáo tiếp theo.

Đồng tình với việc, không “đẻ ra” một bộ chỉ số riêng, mà cần kế thừa và chọn lọc những chỉ số phù hợp với đặc điểm của Việt Na, chuyên gia Phạm Chi Lan, Nên lấy một bộ chỉ số của quốc tế làm căn bản để bổ sung thêm theo đánh giá và cách tính của Việt Nam./.