Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã cho biết, đến năm 2024, Quốc hội đã ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô.

Đâu là nguồn lực, là điểm sáng để đạt mục tiêu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã cho biết, đến năm 2024, Quốc hội đã ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VGP

Năm 2024, ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa kết thúc, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 103 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và trong đó đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2024. Một trong những mục tiêu rất quan trọng của Nghị quyết 103 đó là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6,5%, trên tinh thần quán triệt các kết luận của trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích các thuận lợi, khó khăn và khả năng đạt được trong năm 2024.

Thứ trưởng cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết 103 của Quốc hội cũng đã nêu ra 12 nhóm giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để thực hiện tất cả các mục tiêu nhiệm vụ.

"Trong đó để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì ngay từ giải pháp số 01 của Nghị quyết 103 đã tập trung vào giải pháp này. Trước đây, chúng ta thường đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô lên trước sau đó mới đến các mục tiêu giải pháp khác", Thứ trưởng chỉ ra điểm mới.

Đến năm 2024, Quốc hội đã ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. "Điều này giúp thấy được quyết tâm của toàn hệ thống cũng như Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những giảm sút trước đây do Dịch Covid-19 và khó khăn trong năm 2023", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành

Trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 103 của Quốc hội, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024. Dự thảo Nghị quyết cũng đã được hoàn thành và trong Phiên họp Chính phủ thường kì tháng 11, Bộ Kế hoạch đầu tư trình dự thảo đầu tiên để các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu và hoàn thành dự thảo Nghị quyết này để trình lên phiên họp Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 1/2024, tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

"Đây là Nghị quyết trọng tâm, xương sống trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2024, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có tập trung nhấn mạnh các giải pháp thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%", Thứ trưởng nói và cho biết, trong dự thảo Nghị quyết 01 về chủ đề điều hành năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất có một nội dung quan trọng đó là đề xuất với Chính phủ có phương châm là phát triển vững mạnh, để tận dụng được các cơ hội.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 là gì?

Thứ trưởng chỉ rõ, cuối 2023, Việt Nam đã có nhiều cơ hội thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành, cũng như hoạt động đối ngoại cấp cao, mang lại ý nghĩa kinh tế - xã hội trong năm 2024.

"Phân tích sâu hơn, cơ hội của chúng ta tăng tốc, phát triển đột phá năm 2024, các kết quả cuối năm 2023 rất tích cực, mặc dù không đạt được mục tiêu cao như kỳ vọng, hay kế hoạch ban đầu. Nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay, kết quả như vậy rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai nhiệm vụ năm 2024", Thứ trưởng phân tích.

Qua rà soát, các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy về cả 3 mặt đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Ví dụ, xuất khẩu đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, trong báo cáo 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên 9 % tiệm cận với hai con số như trước thời kỳ Covid-19, đấy cũng là điều tốt. Đầu tư trên cả 3 mặt đầu tư Nhà nước, FDI và đầu tư tư nhân, cơ hội gia tăng trong năm 2024 là khá tốt. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại đặc biệt trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip, bán dẫn, các ngành nghề khác... Hay đầu tư tư nhân, năm 2023 có rất nhiều khó khăn do bất cập từ các thị trường trong nước như thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

"Qua đánh giá sơ bộ cho thấy trong năm 2024 sự trở lại của các thị trường này là khá tốt, kích thích đầu tư trong nước, gắn với thị trường đầu tư xuất khẩu", Thứ trưởng nêu dẫn chứng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, đây cũng là một mục tiêu khó bởi năm 2024 còn nhiều khó khăn chưa dự báo được. Ví dụ như chiến sự các khu vực trên thế giới diễn ra chưa dự báo kết thúc cũng như những vấn đề mới phát sinh./.