Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV) theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với 17 mục tiêu PTBV và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Trong đó, mục tiêu PTBV 8 đề cập đến “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”.

Việt Nam đã từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế

Những thành quả đạt được

Phát triển nhanh và bền vững là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Chủ trương này đã được thực hiện nhất quán trong thời gian qua và đem lại những kết quả nổi bật.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp với quy mô GDP năm 2018 so với năm 1989 đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần. Năm 2018, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định với kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Năng suất lao động của Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,6%, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu tăng bình quân 5%/năm trong 5 năm 2016-2020.

Việt Nam đã từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua đã góp phần giảm nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Việc làm bền vững là một trong những nội dung quan trọng của mục tiêu PTBV 8.

Chính sách việc làm là chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập công bằng và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thực hiện cam kết thúc đẩy và đảm bảo mang lại nhiều việc làm bền vững hơn nữa cho người dân đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018 đã tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa trên 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ môi giới được tạo việc làm trên 48%. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2018 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 142 nghìn người (tăng 7% so với năm 2017), nhiều thị trường mới được mở cửa.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm và số lượng liên tục tăng qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Đài Loan trở thành thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 người, tiếp đến là Đài Loan với khoảng 65.000 lao động, Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 6.000 lao động.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm so với dân số trên 15 tuổi năm 2017 đạt 75,2%, tương đối cao so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập tương đương Việt nam. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm luôn duy trì ổn định ở mức thấp, chỉ trên dưới 2%. Trong đó, thất nghiệp thành thị ở mức trên 3%. Tỷ lệ thiếu việc làm chỉ dưới 2%, chủ yếu là ở nông thôn.

Vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua

Mặc dù đạt được nhiều thành quả, song lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã phải thừa nhận rằng, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và tăng đầu tư, trong khi đó, năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp, công nghệ sản xuất ở nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu. Việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, kém hiệu quả. Tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua đã phải trả giá về môi trường khá lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó, dân cư và hoạt động kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu rủi ro cao nhất. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, về vấn đề việc làm, nhìn chung, vẫn chưa bền vững khi có khá nhiều công việc chưa mang tính lâu dài với năng suất và mức thu nhập còn thấp, còn có chênh lệch về thù lao giữa nam và nữ đối với cùng một loại công việc như nhau...

Theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, Lúc trước chúng ta đã nói rằng một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là để đất nước tiếp tục phát triển kinh tế hơn nữa thì không thể dựa trên một mô hình tăng trưởng và phát triển giống như trước đây. Ở đây, năng suất lao động là một ví dụ nữa cho thấy điều này.
Quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là một rào cản đối với tăng năng suất. Trong nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, chẳng hạn như ngành sản xuất, chỉ có một số doanh nghiệp lớn, hiệu năng cao, còn lại đa phần là các doanh nghiệp khá nhỏ. Việt Nam có hàng triệu hộ doanh nghiệp và số liệu thống kê được Việt Nam có 400.000 doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng các doanh nghiệp lớn thì ít hơn nhiều, chỉ có 7.000 doanh nghiệp.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại những thách thức trong việc đảm bảo đem lại cơ hội làm việc có hiệu quả và thu nhập công bằng cho tất cả phụ nữ và nam giới ở Việt Nam; đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và bảo trợ xã hội cho gia đình; viễn cảnh tốt đẹp hơn về phát triển cá nhân và hội nhập xã hội; sự tự do thể hiện mối quan tâm, tổ chức và tham gia của người dân vào những vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Hiện trạng này đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển kinh tế bền vững phải bao hàm cùng một lúc cả yêu cầu về mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là phải thể hiện ở khả năng duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao một cách lâu dài và có hiệu quả. Bền vững trong phát triển kinh tế chỉ đạt được khi tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải có hiệu quả, vay nợ thấp và tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội ngày càng lớn.

Đặc biệt, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính tiền tệ.

Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách hợp lý nhằm nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển dựa vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước trên cơ sở phát huy vai trò quyết định của nội lực; đồng thời, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.

Tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, các ngành nghề lĩnh vực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính công; sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần phải thực hiện các giải pháp đảm bảo đạt được mục tiêu việc làm bền vững ở Việt Nam đến năm 2030./.