Những bước tiến trong chính sách

Đó là ngay trong quý I, ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định số 363/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Việc triển khai các biện pháp pháp xử lý nợ xấu là một nội dung quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu được Ban chỉ đạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cũng như toàn ngành ngân hàng tập trung giải quyết trong năm 2014.

Triển khai thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD; đồng thời, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các TCTD cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt trong xử lý nợ xấu: rà soát lại các quy định nội bộ, chấn chỉnh công tác quản trị điều hành, thành lập ban hay đơn vị chuyên xử lý nợ xấu, xác định rõ trách nhiệm cá nhân để xẩy ra các món nợ xấu, đưa những người gây ra nợ xấu sang làm nhiệm vụ chuyên thu hồi nợ, cùng khách hàng phối hợp bán tài sản, phát mại tài sản, thay đổi nhân sự…

Đến những kết quả trong thực tiễn

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng đã báo cáo về tình hình nợ xấu. Thủ tướng cho biết, theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD lên đến 17%. Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các TCTD không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.

Song, nhờ việc thực hiện đồng bộ các biện pháp triển khai của Ngân hàng Nhà nước và các TCTD, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465.000 tỷ đồng). Việc xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua các kênh: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và phát mại tài sản bảo đảm tiền vay, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC)...

VAMC được thành lập từ giữa năm 2013. Đến ngày 23/12/2014, theo ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc VMAC, thì VAMC đã mua được 123 ngàn tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu; theo kế hoạch năm 2014 mua nợ được từ 80-85 ngàn tỷ; chắc chắn VAMC sẽ đạt được kế hoạch đề ra.

Trong năm 2014, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4 ngàn tỷ, với số nợ xấu đã xử lý được gồm xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ tập trung chủ yếu cho các khoản mua nợ của 2013, đây là một nỗ lực của VAMC.

Ngoài việc hỗ trợ giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC hỗ trợ đắc lực cho các khách hàng của tổ chức tín dụng, hỗ trợ điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.

Còn theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 còn khoảng 3,8% và có xu hướng giảm: tháng 6/2014 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8/2014 là 3,9%; ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012. Việc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các TCTD.

Như vậy, tính chung trong 3 năm qua (2012-2014), hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu, ngoại trừ một số xử lý qua VAMC, các TCTD chủ động xử lý nợ, còn lại nợ xấu được xử lý qua trích lập dự phòng của TCTD. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng các TCTD đã trích lập là 78.000 tỷ đồng để cuối năm 2014 tiếp tục xử lý nợ xấu. Đặc biệt, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, tài sản đảm bảo có giá trị cao gấp 2 lần số nợ xấu.

Tại cuộc họp báo tháng 12/2014, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp xử lý nợ xấu. Bản thân các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng do đó cũng có giảm, tuy nhiên việc đó là cần thiết để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong quá trình cấp tín dụng mới, NHNN đã chỉ đạo và các ngân hàng thương mại cũng thận trọng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới. VAMC cũng chỉ là một công cụ để xử lý nợ xấu. trong điều kiện xử lý nợ xấu không dùng ngân sách, với nhiệm vụ xử lý nợ xấu đặt ra, hoạt động của VAMC là phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Phó Thống đốc cũng cho biết, năm 2015, sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.