Với nhiều điểm tiến bộ trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào năm 2015, tạo môi trường thông thoáng và minh bạch cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về vấn đề này.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Phát triển doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế

Phóng viên: Năm 2015, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Vậy làm sao để tạo được niềm tin, thu hút họ bỏ vốn để kinh doanh, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn chủ trương thì hay, nhưng thực hiện không được như lời hứa. Do vậy, việc đầu tiên phải làm đó là việc luật thay thế rồi thì việc cần thực hiện làm sao để triển khai vào cuộc sống.

Về phía các cơ quan ban hành, cần xây dựng các thông tư, nghị định cho đúng theo luật.

Đối với cấp cơ sở (nơi doanh nghiệp, người dân tiếp cận) cần có sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp với ý thức cao. Cần lập lại kỷ cương trong thực hiện pháp luật tại Việt Nam.

Đây là vấn đề rất khó, nhưng khi thực hiện được thì người dân sẽ thấy được những cơ hội từ môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó họ bỏ tiền ra để kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.

Như vậy, trước hết là xây dựng tốt các nghị định và triển khai tốt việc thực hiện thực thi pháp luật từ mọi cấp.

Nếu như mọi cán bộ công chức trong chính quyền từ Trung ương đến địa phương hiểu được rằng, nếu chúng ta phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp để họ bỏ tiền ra đầu tư, phát triển, mở mang ngành nghề kinh doanh, từ đó thu hút người lao động thì đất nước sẽ phát triển.

Phóng viên: Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014, Bộ trưởng có nhấn mạnh về phát triển doanh nghiệp tư nhân, trong thời gian tới theo Bộ trưởng cần có chính sách gì để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khu vực này và xu hướng phá sản ngừng hoạt động của các doanh nghiệp những năm trước, thì năm nay đã dừng lại chưa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước hết chúng ta cần có nhiều hỗ trợ hơn nữa cho mảng doanh nghiệp tư nhân phát triển, Diễn đàn phát triển Việt Nam 2014 đã đưa ra 2 chủ đề lớn trong đó có chủ đề phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng chưa đủ, còn nhiều thứ cần giải quyết. Cần có nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm như: thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời trình Thủ tướng cho phép ra đời Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo tôi, có 5 vấn đề cần hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này, cụ thể thứ nhất là nền tảng cho doanh nghiệp thuận lợi nhất, hỗ trợ họ thực hiện ý tưởng; thứ hai, có trường nghề, đào tạo nghề nếu không có trường đào tạo công nhân thì không thể có doanh nghiệp tốt; thứ ba, chính sách tiếp cận tín dụng thậm chí phải ưu tiên hơn một chút, cho thời hạn hỗ trợ vốn để vòng quay dài hơn; thứ tư phải tìm thị trường, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp tư nhân, điều này vô cùng quan trọng, cung cấp thông tin cho họ về môi trường cạnh tranh quốc tế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của họ; cuối cùng là chuyển giao công nghệ, năng suất lao động và công nghệ là 2 thứ cạnh tranh nhất.

Tạo môi trường ưu ái nhất cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Việt Nam, đó là điều tôi trăn trở. Việt Nam cần phải nhìn nhận lại doanh nghiệp trong nước một cách rất nghiêm túc, năm 2015 là năm doanh nghiệp, cần có sự đồng thuận từ Chính phủ, các bộ, ngành, làm nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Những năm vừa qua doanh nghiệp đóng cửa, giải thể nhiều, đó là quy luật sinh tồn, thành lập và giải thể để chọn lọc.

Ở các nước, cứ 100 doanh nghiệp thành lập thì sau 5 năm chỉ còn 70% doanh nghiệp ở lại, đó là bình thường.

Thời gian qua cũng có 1 số doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng bị khó khăn do thay đổi chính sách, những doanh nghiệp như vậy vừa qua hơi nhiều, với xu thế môi trường tốt lên, với xu thế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước chắc chắn số doanh nghiệp đó sẽ thu hẹp lại, dần dần giảm bớt, số doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất lại quay trở lại hoạt động tăng lên 11 nghìn, đó là xu thế tốt, tôi cho rằng năm 2015 kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng .

Cổ phần hóa không chạy theo số lượng

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, năm 2015 theo kế hoạch phải cổ phần hóa trên 300 doanh nghiệp, với cách tiếp cận và cách thực hiện cổ phần hóa của năm 2014, thì năm 2015 phải có thay đổi gì để cổ phần hóa 1 cách hiệu quả?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo tôi, số lượng không quan trọng, mặc dù chúng ta đang đánh giá theo số lượng, năm nay được bao nhiêu, sang năm được bao nhiêu, nhiều ngành đưa ra năm 2015 cơ bản hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhưng tôi rất lo, bởi vấn đề là ở bản chất cổ phần hóa để làm gì, để thay đổi cơ cấu, mục tiêu của doanh nghiệp đó, thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp theo hướng tốt lên, dân chủ hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần hóa của tư nhân tham gia phải lớn hơn tỷ lệ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước, bao năm nay không thay đổi bất kỳ một nhân sự nào, chỉ có 5% cổ phần tư nhân, còn 95% vẫn của Nhà nước. Đây đang là vấn đề phổ biến nhất trong cổ phần hóa.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được thông qua, quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, đây là bước tiến, trước đây 51% là doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, hội đồng quản trị có quyền quyết định, nếu không thì vẫn “bình mới rượu cũ”. Đã bán cổ phần là bán hết, để thay đổi bản chất của doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!