Lĩnh vực sản suất tiếp tục là điểm sáng

Tại báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 06/2015, các chuyên gia của HSBC cho biết, chỉ số PMI của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đang yếu đi.

Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 5 đã tăng thêm đạt mức 54,8 điểm – mức tăng mạnh nhất trong lịch sử. Sản lượng và đơn hàng mới đã nhảy vọt từ mức 55,6 và 55 điểm lên tương ứng 56,7 và 57 điểm – một kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm lại và các nước trong khu vực châu Á đều có chỉ số PMI sụt giảm.

Từ ngành giày dép, dệt may đến thiết bị điện thoại, các lao động Việt Nam là yếu tố quan trọng đối với việc các doanh nghiệp nhận được ngày càng nhiều đơn hàng hơn do chi phí lao động thấp đã khiến tỷ lệ giá cả/chất lượng của hàng hoá Việt Nam tăng thêm yếu tố cạnh tranh. Đơn đặt hàng mới tăng mạnh lên 57 điểm trong tháng 5 từ mức 55 trong tháng 4. Việc làm cũng tăng từ mức 51,9 điểm lên 53,1 điểm.

Nguồn vốn giải ngân FDI cũng tăng mạnh trong tháng 5 từ mức 5% trong tháng 4 lên 7,6% tạo thêm dư địa cho sản lượng tăng thêm khi các doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động.

Tại báo cáo của mình, các chuyên gia của HSBC dự báo, sản lượng sẽ tục tăng trong những tháng tới dù mức tăng khá nhẹ. Hàng tồn kho đang tăng lên phản ánh niềm tin của các nhà sản xuất về nhu cầu trong thời gian sắp tới.

“Vì đơn hàng mới đang tăng mạnh, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội cho lĩnh vực sản xuất tăng trưởng trong tương lai”, báo cáo nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nội địa đang thiếu khả năng tận dụng lợi thế

Các chuyên gia của HSBC nhìn nhận, trong khi cạnh tranh về lao động, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đang là những yếu tố thúc đẩy tình hình đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp nội địa lại thiếu khả năng tận dụng những năng lực cạnh tranh vốn có của mình.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài không liên quan đến sản phẩm dầu mỏ trong tháng 5 đã tăng 18% kể từ đầu năm đến nay, trong khi các doanh nghiệp trong nước có hoạt động xuất khẩu tiếp tục suy yếu, giảm 1,7%.

Chu kỳ hàng hoá toàn cầu suy giảm, nợ cao và hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao năng suất bị hạn chế và tiền đồng Việt Nam trong giao dịch thương mại đang tăng giá là những nguyên nhân đằng sau các kết quả hoạt động không mấy hứng khởi của các doanh nghiệp trong nước. Ngành du lịch cũng sụt giảm với số lượng khách nước ngoài giảm 12,6% so với đầu năm.

Đối mặt với thâm hụt ngân sách

Sau nhiều năm sụt giảm, tăng trưởng tín dụng đang hồi phục trong nửa đầu năm 2015. Hoạt động cho vay tăng 17,5% so với năm ngoái (tăng 4,3% so với tháng 12/2014). Do đó, hoạt động nhập khẩu tăng thêm kéo theo tình hình thâm hụt thương mại tại Việt Nam. Sau nhiều năm đạt được mức thặng dư thương mại, nền kinh tế Việt Nam lại một lần nữa phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách – tính từ đầu năm đến giữa tháng 5 vừa qua, mức thâm hụt ngân sách đã tăng tới mức 3,7 tỷ USD.

Tài khoản vãng lai của Việt Nam đã chuyển sang ngưỡng thặng dư trong ba năm qua nhờ vào dòng kiều hối đổ vào và cán cân thương mại được quản lý chặt chẽ. Cộng với việc tài khoản tài chính có con số thặng dư, Ngân hàng Nhà nước có thể tích luỹ nguồn dự trữ ngoại tệ, ổn định nền kinh tế và tỷ giá.

Khi tình hình cán cân thanh toán xấu hơn trong năm nay, nguồn tài khoản vãng lai khá lớn của Việt Nam có khuynh hướng giảm đi.

Dòng kiều hối đổ vào sẽ bảo đảm tài khoản vãng lai sẽ không nghiêng về ngưỡng âm miễn là thâm hụt thương mại duy trì ở dưới mức 10 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng lại với việc các hoạt động xuất khẩu giảm thêm, nguồn thu từ du lịch giảm sút và thâm hụt thương mại tăng lên bằng cách giảm giá tiền đồng vào ngày 07/05/2015 vừa qua.

“Chúng tôi tin rằng đây là một động thái đúng đắn vì đã giảm bớt áp lực phá giá lên đồng nội tệ và hỗ trợ cho các lĩnh vực bên ngoài của Việt Nam. Nếu như Ngân hàng Nhà nước đã sắp xếp thực hiện việc giảm giá tiền đồng trong nửa đầu năm 2015, thì chúng tôi không kỳ vọng trong thời gian tới sẽ diễn ra một động thái tương tự nào nữa. Chúng tôi dự đoán lãi suất chính sách trên thị trường mở sẽ duy trì sự ổn định ở mức 5%”, trích dẫn báo cáo.

Những số liệu thống kê mới đây nhất của IMF cho biết dự trữ ngoại hối đang ở mức 33,8 tỷ USD vào cuối năm 2014 tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng hơn bao giờ hết, Ngân hàng Nhà nước phải giữ nguồn dự trữ ngoại tệ của mình ở mức có thể thanh khoản được nhằm ổn định tỷ giá USD/VND khi cần thiết.

Có thể thấy, nguồn dự trữ của Việt Nam mặc dù tăng cao, nhưng cũng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi ít nhất ba tháng để được xem là nguồn dự trữ đủ.

Nếu như Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm, mà Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng.

Nguy cơ thứ hai sẽ là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam. Nếu như mức thâm hụt này nhiều hơn 10 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sử dụng một khoản đáng kể trong nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ cho tiền đồng. Tổng cục Thống kê đã ước tính mức thâm hụt thương mại ít hơn 3 tỷ USD tính từ đầu năm đến tháng 5 vùa qua, trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho rằng mức thâm hụt là 3,5 tỷ USD vì Tổng cục Thống kê cho rằng xuất khẩu sẽ hồi phục trong nửa sau của tháng 5 trong khi nhập khẩu sẽ chậm lại (lưu ý rằng số liệu của Tổng cục Thống kê là con số ước tính dựa trên số liệu thương mại 15 ngày đầu của Tổng cục Hải Quan).

Các chuyên gia của HSBC dự báo, mức thâm hụt sẽ ở mức 3,5 tỷ USD cho nguyên năm 2015./.