Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, đã xử phạt tới 62 lượt cơ quan báo mạng có những vi phạm như đã nêu trên, đặc biệt, đã đình chỉ có thời hạn đối với 2 tờ báo mạng, xử phạt mức độ khiển trách 4 tổng biên tập, thu 2 thẻ nhà báo, đình chỉ công tác một số biên tập viên cũng như thư ký tòa soạn để góp phần chấn chỉnh hoạt động có vi phạm này.

Năm 2013 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72 về việc quản lý dịch vụ internet và quản lý games trực tuyến trên mạng.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 159, 174 để xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể trong lĩnh vực báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử và bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin.

Song, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chính quyền các cấp, phải thường xuyên nâng cao vai trò, trách nhiệm, giáo dục, nâng cao nhận thức của người sử dụng internet, đặc biệt lớp trẻ để họ có điều kiện phân biệt rõ đúng sai, thông tin xấu trên mạng để phòng tránh và tự bảo vệ mình, lựa chọn những thông tin tốt để phục vụ cho sự phát triển của cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội.

Chia sẻ với bức xúc của doanh nghiệp về hiện tượng một số tờ báo, nhất là báo mạng, thông tin những chuyện tiêu cực, sai phạm của doanh nghiệp không khách quan, thậm chí sai sự thật, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, Bộ trưởng đánh giá, đây là hành vi không thể chấp nhận được, bởi nó vi phạm những điều rất cơ bản của hoạt động báo chí.

“Bộ Thông tin - Truyền thông sẵn sàng phối hợp với người dân phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng sai phạm trên”, Bộ trưởng Son khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, một trong những chức năng quản lý nhà nước trong điều 17 của Luật Báo chí đã nêu, đó là phải quy hoạch, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển của báo chí. Hiện nay, chúng ta có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh và truyền hình với gần 200 kênh phát thanh và truyền hình đang hoạt động và hàng chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, trở thành loại hình báo chí chủ lực trong tương lai.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và một số tổ chức, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân cũng đã nhận thấy và cảnh báo rằng, hoạt động báo chí có sự lãng phí về nguồn lực. Từ sự lãng phí này, dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, cho nên giảm đi tính bản sắc của các tờ báo.

Đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể không tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin.

Từ sự cạnh tranh về thông tin này dẫn đến có những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, giật gân, câu khách, gây sự búc xúc trong xã hội, làm giảm đi tính định hướng, tính giáo dục của báo chí.

“Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng, quy hoạch với báo chí trong lúc này là cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quy hoạch không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí, mà quan trọng hơn là chúng ta phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng báo chí hợp lý về số lượng, đặc biệt, nâng cao chất lượng.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin -Truyền thông đã và đang trong thời kỳ hoàn thiện, xây dựng Dự thảo Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2020.

“Tôi tin tưởng rằng, quy hoạch này khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là cơ sở để chúng ta xây dựng một nền báo chí cách mạng không ngừng vững mạnh, vừa hiện đại, vừa có tính chuyên nghiệp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, sẽ có điều kiện để thực hiện tốt hơn nghĩa vụ, quyền lợi của công dân trong quá trình thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí mà điều 15 của Hiến pháp 2013 đã nêu”, Bộ trưởng nói.

Về con số là mỗi địa phương chỉ nên có 1 tờ báo, còn lại là ấn phẩm phụ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ rõ: Đấy là định hướng trong tương lai, còn cụ thể, thì quy hoạch báo chí sẽ giải quyết, với tinh thần là giảm số lượng báo chí đến một cách hợp lý nhất và đặc biệt là nâng cao chất lượng và có những chính sách, hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển báo chí, làm sao nền báo chí cách mạng của chúng ta phát triển một cách mạnh mẽ, kể cả nội dung và hình thức./.