Phi nông nghiệp vẫn phát triển mạnh

Theo HSBC, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2016 đạt 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn giữ nguyên so với mức tăng trưởng quý I/2016 và thấp hơn hơn so với mức dự đoán 5,8% của thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thời tiết không thuận lợi. Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập niên qua, sản lượng nông nghiệp trong sáu tháng đầu năm giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC đã chỉ ra rằng, con số này đã được bù đắp nhờ vào tăng trưởng ngành sản xuất mạnh hơn 10%.

Cụ thể, lĩnh vực xây dựng và dịch vụ cũng đều duy trì mức tăng trưởng mạnh với mức tăng từ đầu năm đến nay đạt tương ứng 8,8% và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là tháng thứ tám liên tiếp sản lượng sản xuất cũng tăng dù là mức tăng chậm nhất trong bốn tháng qua. Sản xuất hàng hóa cho tiêu dùng và cho hoạt động đầu tư đã tăng, nhưng sản xuất hàng hóa trung gian lại giảm. Cùng với các đơn đặt hàng mới tăng cao hơn, các doanh nghiệp tiếp tục thuê thêm nhân công, mặc dù tỷ lệ tạo việc làm trong tháng Bảy thể hiện con số yếu nhất trong bốn tháng qua.

Trong khi đó, tồn đọng đơn hàng chưa được thực hiện đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù điều này có được là nhờ năng suất được cải thiện và các dự án sắp sửa hoàn thành.

Cần lưu ý rằng so với các nước trong khu vực, hoạt động sản xuất của Việt Nam cũng tiếptục duy trì kết quả tốt.

Trong tháng Bảy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế châu Á mới nổi, với Ấn Độ cùng theo sát nút (tăng trưởng cũng có ở Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc với mức độ nhỏ hơn nhiều).

“Việt Nam cũng là một trong số rất ít các nền kinh tế vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng mới”, báo cáo của HSBC nêu rõ.

Xuất khẩu và FDI vẫn mạnh

Nhu cầu nước ngoài phục hồi được lặp lại trong số liệu hoạt động xuất khẩu. Từ đầu năm đến tháng Bảy, hoạt động xuất khẩu tăng 5,3% so với cùng kỳ, phần lớn không chỉ nhờ vào lô hàng điện thoại và phụ tùng thay thế, mà đồng thời còn là lô hàng máy tính và thiết bị điện tử, hàng dệt và may mặc, cũng như giày dép.

Trừ đi sự sụt giảm 0,9% của hoạt động nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại trong bảy tháng đầu năm đạt mức 1,8 tỷ USD, một sự chuyển biến đáng chú ý so với mức thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD đã được ghi nhận vào thời điểm này năm ngoái.

“Khi nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt nhanh hơn các nước trong khu vực, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì dồi dào sẽ quay trở lại giúp nền kinh tế giành được nhiều thị phần xuất khẩu hơn ngay cả khi nhu cầu toàn cầu chậm lại”, HSBC nhận định.

Nguồn vốn FDI mới từ đầu năm đến nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 12,9 tỷ USD với phần lớn đổ vào ngành sản xuất, chế biến và các dự án bất động sản.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút 1.408 dự án FDI (tăng hơn 32% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 8,7 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng mục tiêu 6,7% khó có thể đạt được

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam thể hiện khá tốt so với các nước trong khu vực, nhưng những ảnh hưởng của đợt hạn hán này đối với nền kinh tế vẫn cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% do Chính phủ đề ra khó có thể đạt được.

Đợt hạn này đã ảnh hưởng nặng đến sản lượng nông nghiệp, và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP nói chung vì nông nghiệp chiếm 13% trên toàn nền kinh tế - một tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN.

Nhưng điều đó cũng có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu tiêu dùng, vì thu nhập nhà nông giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của 24 triệu nông dân vốn chiếm gần nửa lực lượng lao động cả nước.

Những khó khăn này cùng với những bất ổn tồn tại xung quanh nền kinh tế toàn cầu đã buộc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thừa nhận rằng, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,6% trong nửa sau của năm 2016.

Trên cơ sở thực tế, các chuyên gia của HSBC dự báo, trong năm 2016, tăng trưởng sẽ xung quanh mức 6%. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP là 6,3% trong năm 2016 và 6,6% trong năm 2017, tương ứng với mức dự báo của Ngân hàng Thế giới.

“Tăng trưởng năm 2016 tuy sụt giảm nhưng cũng sẽ không vượt ra khỏi tỷ lệ tăng trưởng từng thấy trong những năm gần đây”, các chuyên gia HSBC.

Áp lực lạm phát gia tăng

Trước bối cảnh các nhà quản lý không điều chỉnh mục tiêu, các chuyên gia của HSBC cho rằng, áp lực lạm phát đang gia tăng.

Mặc dù lạm phát toàn phần đã ổn định trong tháng Bảy ở mức 2,4% so với cùng kỳ (mức lạm phát từ đầu năm đến nay ở mức 1,8%), nhưng giá cả thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã tăng dần đều trong suốt sáu tháng qua. Và lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong những tháng tới.

Chính phủ đang có kế hoạch tăng chi phí chăm sóc sức khỏe vào những tháng cuối năm cũng như trong nửa đầu năm 2017, và tương tự là học phí trong tháng Chín.

Cũng tương tự như trường hợp của các tháng vừa qua, tình hình khí hậu nóng bức cũng nhiều khả năng sẽ tạo áp lực việc tăng giá thực phẩm.

Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng yếu tố phản ảnh nhu cầu trong nước tăng mạnh (đặc biệt là hoạt động đầu tư) dự kiến sẽ vượt mức dự kiến 18-20%.

Từ cơ sở này, các chuyên gia thống kê kỳ vọng lạm phát năm 2016 sẽ đánh bật mức dự báo 5% của Chính phủ.

Nguy cơ lạm phát tăng cao cũng đồng nghĩa với việc dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn. HSBC dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều khả năng tăng lãi suất OMO lên 5,5% trong quý III/2017 để kiềm chế lạm phát.

Tương tự, dư địa cho việc nới lỏng tài khóa cũng đang bị hạn chế. Sự thiếu tiến bộ trong việc tăng ngân sách nhà nước, cùng với giá dầu yếu đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách có thể tăng đã làm Chính phủ bị hạn chế khả năng thúc đẩy chi phí đầu tư.

HSBC dự báo, thâm hụt ngân sách trong năm nay lại tăng ở mức 6,6% GDP khiến cho tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tiếp cận mức giới hạn 65% do Quốc hội đề ra (số liệu mới nhất do Chính phủ công bố trong tháng Năm cho thấy nợ công của Việt Nam đã tương đương 62,2% GDP).

Vẫn lạc quan trong trung hạn

Theo các chuyên gia của HSBC, triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn còn nhiều lạc quan mặc dù hiện tại có rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia đều thừa nhận khả năng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

HSBC cho rằng, đó không hẳn là điều xấu, khi có một sự thúc đẩy mù quáng cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể dẫn đến tình trạng lạm phát cao không mấy dễ chịu, tiền đồng bị suy yếu và các nguồn lực được phân bổ thiếu hiệu quả đặc biệt là nguồn lực tín dụng trong trung hạn.

TPP thúc đẩy hồ sơ thương mại của Việt Nam, nhưng cũng là chất xúc tác cho các quá trình cải cách.

Trong giai đoạn từ trung đến dài hạn, TPP có thể sẽ đưa hồ sơ thương mại đã phát triển tương đối mạnh mẽ của Việt Nam lên một tầm to lớn hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 TPP sẽ nâng GDP của Việt Nam lên 10% với phần lớn sự tăng trưởng có được xuất phát từ lĩnh vực dệt may xuất khẩu đi Mỹ và Nhật (Hiệp định TPP vẫn chưa bao gồm Trung Quốc).

Điều quan trọng nữa là, nếu hiệp định TPP một lần nữa đạt được thỏa thuận, Việt Nam có thể buộc phải đẩy nhanh việc thực hiện cải cách cơ cấu. Điều này bao gồm sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như việc tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước. Cả hai vấn đề trên đều rất quan trọng đối với Việt Nam nếu như quốc gia này muốn tận dụng hòan toàn những lợi ích của hiệp định TPP.

Theo chương trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, số lượng các doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch phải được cắt giảm từ 1.309 xuống còn 17 doanh nghiệp đến năm 2020, trong khi số lượng các doanh nghiệp đang nắm giữ 100% vốn Nhà nước sẽ giảm còn 200. Nhưng tốc độ cổ phần hóa trong nửa đầu năm 2016 không đạt được mục tiêu trên.

Trong sáu tháng đầu năm, Chính phủ đã phê chuẩn các dự án để cổ phần hóa 39 doanh nghiệp có vốn Nhà nước với tổng giá trị là 27,06 ngàn tỷ đồng. Nhưng thực tế Nhà nước chỉ mới nhận 4,17 ngàn tỷ đồng từ việc bán cổ phần của mình ở các công ty này.

Cải cách các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng cần phải được thực hiện với rất nhiều nổ lực trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất việc Chính phủ phải ngừng bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp Nhà nước cho các dự án mới sẽ bắt đầu trong năm sau, và gia tăng việc giám sát các khoản vay đã dành những dự án đang hiện hữu.

HSBC nhận định, điều này sẽ không chỉ khiến các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, mà còn giúp kiểm soát nợ công, để từ đó Chính phủ có nhiều dư địa hơn cho chính sách tài khóa của mình. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất các khoản vay do chính phủ hậu thuẩn sẽ được giảm xuất còn 15,6% khoảng nợ công đến cuối năm 2020./.