Ngày 22/06/2017, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí.

Quy mô doanh nghiệp không có sự cải thiện trong nhiều năm

Phát biểu tại diễn đàn, PGS, TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng đảm đương vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, đóng góp khoảng 43,22% GDP và tạo ra khoảng 11,9% việc làm.

Ông Hùng cho biết, năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong 5 tháng đầu năm 2017 có thêm 50.534 doanh nghiệp, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế.

Ông Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, theo ông Hùng, quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ và không có sự cải thiện qua nhiều năm. Theo quy mô lao động, có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Trong khi đó, xét về quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94,8%. Nếu chỉ xét khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thì có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Theo ông Hùng, quy mô vốn hạn chế là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế. Việc không năng lực tài chính khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đầu tư vào máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn rất thấp, chỉ 1,72% trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước là 6,04% và khu vực doanh nghiệp FDI là 6,95 %.

"Đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm đối với các cơ quan hoạch định chính sách để có thể đưa ra chính sách phù hợp với khu vực này", ông Hùng cho biết.

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ bé, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo báo cáo PCI, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhỏ bé, mà còn chỉ tập trung vào một số ngành thâm hút vốn lớn, như: thương mại, dịch vụ và xây dựng. Cụ thể, theo điều tra của VCCI có khoảng 9% doanh nghiệp hoạt động công nghiệp, 24% doanh nghiệp xây dựng, 60% dịch vụ, thương mại…

Báo cáo của PCI còn cho thấy, nếu chia theo quy mô, doanh nghiệp càng bé, thì hiệu quả càng thấp, do không tận dụng được lợi thế nhờ quy mô. Đặc biệt, các doanh nghiệp được thành lập trước năm 2000, thì có tỷ lệ lãi tốt hơn so với các doanh nghiệp được thành lập trong vài năm gần đây.

Ông Tuấn lưu ý, trước khi các doanh nghiệp đã từng rất lạc quan, 10 doanh nghiệp thì 8 doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sự lạc quan này đang giảm dẫn. kết quả khảo sát chỉ có khoảng 48% doanh nghiệp lạc quan vào tình sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.

Vì sao doanh nghiệp không lớn được?

Nói về rào cản và thách thức đối với khu vực doanh nghiệp khiến các odanh nghiệp không thể lớn, thậm chí không muốn lớn, ông Hùng cho biết, có quá nhiều rào cản kìm chân các doanh nghiệp Việt Nam, như: Thủ tục hành chính còn phiền hà, tiếp cận tín dụng, đất đai, thị trường cơ hội đầu tư còn hạn chế, chi phí kinh doanh cao, thanh kiểm tra nhiều… làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong các rào cản được nêu trên, ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh đến các gánh mạnh về chi phí. Ông Hùng cho biết, theo Báo cáo khảo sát của Jetro năm 2016, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8%-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4%-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10% .

Trong khi đó, theo phản ánh của VASEP: Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.

Chưa kể, chi phí logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục... của Việt Nam cao hàng đầu so với các nước trong khu vực. Chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng - Hà Nội gấp 3 lần so với chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cũng cao ngất ngưởng ở mức 7%-9%, trong khi Trung Quốc 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2%-3%...

Bên cạnh các vấn đề về gánh nặng chi phí, theo ông Đậu Anh Tuấn còn nêu thực tế, hiện doanh nghiệp lớn đang bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ thì ít hơn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao rất nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không dám và không muốn "lớn".

Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn

"Khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà", nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đồng ý với quy mô của mình bởi họ sợ thanh kiểm tra của cơ quan thuế, hành chính Nhà nước đang nhắm vào doanh nghiệp lớn và có thể nhắm đếm mình, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI nhận định.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp. ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Điều này khiến các doanh nghiệp tìm đến tín dụng đen, với lãi suất lên đến 49%.

“Có khoảng 52% doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ được vay vốn rất thấp, chỉ khoảng 38%, trong khi các doanh nghiệp lớn là 80%”, ông Tuấn thông tin.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp lại cho rằng, doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn và lãi suất cho vay cao.

Theo ông Điệp, việc tiếp cận vốn cực kỳ khó, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ, các ngành nghề bất động sản vốn lớn đến đâu cũng hữu hạn vì không những cần nhiều vốn và còn kéo dài. Huy động đang vướng rào cản theo Nghị định 14 chỉ được huy động từ quỹ và ngân hàng trong khi chu kỳ bất động sản 3-5 năm thậm chí 10 năm.

Toàn cảnh diễn đàn

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương lại nhấn mạnh đến rào cản về rủi ro pháp lý.

Ông Hiếu cho biết, các quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, khiến nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí; và tác động không cân đối đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hiếu lấy ví dụ, doanh nghiệp mất nhiều thời gian để xin một giấy phép kinh doanh một ngành nghề nào đó nằm trong danh mục các ngành nghề có điều kiện kinh doanh và hiệu lực của giấy phép đó là 5 năm. Sau 5 năm, muốn được kinh doanh tiếp, doanh nghiệp phải xin lại. Tuy nhiên, vì 1 lý do khách quan nào đó không kịp xin được đúng thời hạn, thì doanh nghiệp Việt Nam có dám đầu tư thực hiện một dự án dài hạn 40-50 năm và bỏ nhiều vốn cho dự án đó hay ko?

“Chỉ khi nào pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thì họ yên tâm đầu tư dài hạn và sáng tạo”, ông Hiếu cho biết.

Cần sự nỗ lực của cả 2 phía: Nhà nước và doanh nghiệp

Để phát triển doanh nghiệp, theo ông Hồ Sỹ Hùng, các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần phải thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng và có chọn lọc.

Nói đến các giải pháp trước mắt, ông Hùng cho biết, đầu tiên cần phải tập trung vào giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong đó, các chi phí mà các cơ quan nhà nước có nhiều dư địa để tác động, đó là: giao thông vận tải, chi phí xuất - nhập khẩu, logistisc, kiểm tra chuyên ngành…

Các giải pháp trung hạn, từ 3-5 năm, đó là tháo gỡ các vấn đề về tiếp cận vốn, tín dụng cho danh nghiệp. Theo đó, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước trong việc nâng cao được quản trị, số sách kế toán và tuân thủ pháp luật, để doanh nghiệp có thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn.

Còn về dài hạn, ông Hùng cho biết, cần phải trả môi trường kinh doanh về đúng nghĩa của nó, đó là doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh bằng cách xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không cần thiết. Cùng với đó là thủ tục hành chính và pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh để tăng niềm tin của các doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước và môi trường kinh doanh, từ đó yên tâm sản xuất kinh doanh.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, để giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tác động không cân xứng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh, mà tất cả các quy định pháp luật khác.

Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh đến việc thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện rà soát, “cắt xén” các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật không hợp lý.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệpngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI.

TS. Vũ Đình Ánh phát biểu tại diễn đàn

Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.

"Hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng, nhưng lại khá phổ biến", TS. Ánh cho biết.

Ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo ông Ánh, cơ bản không nên áp dụng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, kể cả chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp... tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi.

Đại diện về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty Cổ phần tư vấn, đào tạo và đầu tư phát triển HLT cho biết, doanh nghiệp không lớn được còn do các nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp.

Ông Hùng chia sẻ, cách đây 5 năm, rất nhiều doanh bị phá sản và đổ lỗi cho môi trường bên ngoài, mà không xét đến các yếu tố bên trong doanh nghiệp, như: quản trị, nhân sự… Bởi, trong cùng thời gian này cũng có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn này và tăng trưởng vượt bậc.

Do đó, để phát triển, ông Hùng cho biết, doanh nghiệp cần phải nuôi dưỡng nội lực bên trong. Bởi, nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực cũng quan trọng, nhưng chỉ trợ giúp.

“Bên cạnh đó, vấn đề liên kết cộng đồng trong các doanh nghiệp để tăng lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển là việc làm mà các doanh nghiệp nên xem xét”, ông Hùng đưa ra lời khuyên./.