Bộ máy hành chính đến giờ này còn cồng kềnh

Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, hiện nay, bộ máy hành chính đang phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số... tăng nên đội ngũ tăng.

Dẫn trường hợp trong 5 năm Bộ Tư pháp tăng gần chục cục, vụ, ông Nguyễn Khắc Định cho biết nguyên nhân vì thêm chức năng, nhiều việc trước đây địa phương, đơn vị khác làm nhưng nay giao Bộ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Định, việc phình bộ máy còn có lý do không chấp hành đúng văn bản của cấp trên. Thậm chí có văn bản của Bộ quy định không thống nhất với văn bản của Chính phủ dẫn đến có nơi áp dụng Nghị định, có nơi áp dụng Thông tư.

Một nguyên nhân nữa được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra là do, trình độ thấp kém, có nơi nói cán bộ yếu nên đáng lẽ một việc giao cho một người thì phải cần hai người làm việc.

Thủ tướng đề nghị nêu cụ thể tên cán bộ và sẽ yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn cho rằng bộ máy hành chính đến giờ này còn cồng kềnh. Thông thường giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong, nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều, nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Do đó, sắp tới phải kiểm soát cơ cấu bên trong.

Nói về việc chấp hành pháp luật về tổ chức và biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết có 3 nguyên nhân: Địa phương hiểu không đúng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, văn bản hướng dẫn nói không rõ dẫn đến số lượng biên chế và cấp phó nhiều. Cùng với đó là sự vận dụng vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, văn bản chưa phù hợp với các lĩnh vực, vùng miền khác nhau.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, số lượng cơ quan bộ máy cấp tỉnh vừa qua quy định “phần cứng” nhiều quá nên có địa phương có đặc thù riêng muốn thành lập đơn vị nào đó cho phù hợp cũng khó.

Do vậy, Bộ Nội vụ tham mưu giảm “phần cứng” và tăng “phầm mềm” để địa phương sáp nhập hay lập mới theo yêu cầu đặc điểm địa phương. Với cấp phòng cũng vậy, sắp tới giao cho tỉnh bình quân không quá bao nhiêu, còn lĩnh vực nào quan trọng theo đặc điểm địa phương thì có thể tự bố trí như có sở cần 4 mà có sở chỉ cần 1 hoặc 2 phòng.

Trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp bộ thì quy định số lượng bao nhiêu người sẽ thành lập phòng, như: Không quá 5 người thì chỉ có trưởng phòng, 7 người có thêm 1 phó... để bảo đảm không có chuyện lãnh đạo đông hơn chuyên viên

Về biên chế, thời gian qua có tình trạng biên chế HĐND giao cho cơ quan cấp huyện và chuyên môn cấp tỉnh khác biên chế Bộ Nội vụ giao. Lý do là Bộ giao đầu năm trong khi HĐND cuối năm trước đã họp và giao biên chế để bảo vệ kinh phí với Trung ương. Do đó, năm 2016, Bộ Nội vụ giao trước khi họp HĐND, còn năm 2017 giao trong tháng 8 để khi họp Quốc hội thì phù hợp với giao ngân sách của Bộ Tài chính trước khi trình Quốc hội, tránh chênh lệch.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện tỷ lệ tinh giản biên chế chưa được 1% là thấp. Do đó, Chính phủ giao trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là tiêu chí đánh giá và nếu không thực hiện tốt thì sẽ xem xét xử lý.

Sức nóng của ngọn lửa cải cách chưa lan tỏa nhiều tới mỗi cán bộ

Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).

Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, sức nóng của ngọn lửa cải cách chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Trong khi đó, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người.

Cụ thể, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân nói: “Anh em doanh nghiệp có suy nghĩ là Chính phủ, các bộ, ngành, hay lãnh đạo các tỉnh đẩy vấn đề này rất tốt, còn các sở, ngành, quận, huyện thì ở mức trung bình. Còn người thực hiện, chuyên viên trực tiếp thực hiện vẫn còn một số chưa triển khai tốt”. Ông Quân cho rằng, cần chỉ ra các cụ thể các trường hợp làm kém và xử lý nghiêm như chuyển công tác hay sa thải.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì đề nghị Chính phủ “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm” trong cải cách thủ tục hành chính.

Ông kể lại trường hợp trả lời thắc mắc doanh nghiệp của một số cơ quan không khác gì không trả lời, theo kiểu “điều đó theo quy định của luật này, nghị định này, thông tư thế này, đề nghị doanh nghiệp vận dụng”.

Theo ông, cơ quan nhà nước cần trả lời theo hướng là có giải quyết được vấn đề hay không, vướng mắc nằm ở chỗ nào, phải sửa như thế nào.

“Có nhiều thủ tục rất vô lý, kiến nghị nhiều năm, qua nhiều hội thảo nhưng có cục, vụ nói thế này, “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.

Trước phản ánh này, Thủ tướng đề nghị nêu cụ thể tên cán bộ và sẽ yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính./.