Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/09, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tiêu đề "Phải có tư duy chiến lược để biến thách thức thành cơ hội, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững", Bộ trưởng đã có chia sẻ về những băn khoăn, trăn trở của mình với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Chính phủ trước những vấn đề của đất nước, nền kinh tế hiện nay.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết đều mang số 19/NQ-CP liên tục trong 03 năm (ngày 18/03/2014; ngày 12/03/2015 và ngày 28/04/2016). Qua hai năm triển khai thực hiện (Nghị quyết 19 của năm 2014 và 2015), môi trường kinh doanh của nước ta đã được cải thiện đáng kể, năng lực cạnh tranh được nâng lên và các tổ chức quốc tế có uy tín đều ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tác giả Nguyễn Đình Cung sẽ có những đánh giá sâu hơn cũng như nêu lên những điểm chính trong Nghị quyết 19 mới trong bài "Các Nghị quyết 19: Thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ".

Ở Việt Nam, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh là rất lớn. Vì vậy, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo “Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước” với đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đã lập tức gây sự chú ý của dư luận và các chuyên gia. Với bài "Thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Thời cơ đã quá chín muồi!", tác giả Đỗ Phương Thảo sẽ có những phân tích sâu hơn để thấy rõ sự cần thiết của việc thành lập Ủy ban này cũng như nêu ra các vấn đề cần lưu ý khi thành lập.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu từ năm 2011 đến nay của nhóm tác giả Ngô Thắng Lợi và Thân Thị Thùy Dương về tăng trưởng kinh tế, bài viết "Các động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam: Những bất cập và đề xuất điều chỉnh" sẽ đưa ra những nhận định và làm rõ nguyên nhân của những bất cập xung quanh các động lực chính tạo nên thành quảt ăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo các góc độ khác nhau (theo ngành, theo khu vực kinh tế và theo đầu ra). Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị định hướng điều chỉnh các động lực và giải pháp đột phá để tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 và có hiệu lực thực hiện từ năm 2015 được đánh giá là đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong công tác lập kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn hàng năm sang lập kế hoạch trung hạn 5 năm. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công theo quy định của Luật vẫn còn những hạn chế, chưa theo đúng tinh thần và nguyên tắc của lập kế hoạch ngân sách trung hạn và chưa gắn chặt với các yêu cầu của quản lý chu kỳ dự án đầu tư. Điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến kế hoạch đầu tư công mang tính hình thức và ít có tác dụng nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công. Qua nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới, tác giả Vũ Cương đã có những đánh giá sâu sắc, đồng thời nêu một số kiến nghị đáng lưu ý trong bài "Để kế hoạch đầu tư công trở thành một công cụ quản lý tài chính công hữu hiệu".

Kể từ sau Đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực tiền lương nhằm hướng tới một chính sách tiền lương hợp lý. Tuy nhiên, lộ trình cải cách này còn có nhiều bất cập về: mức lương tối thiểu, lộ trình tăng lương, đối tượng hưởng lương... Để có được một chính sách tiền lương hợp lý, cần thay đổi tư duy đối với vấn đề tiền lương từ chuẩn lương tối thiểu, cơ cấu thang bậc lương, nguồn hình thành quỹ lương, đối tượng hưởng lương và một chính sách quản lý phù hợp. Đó là nội dung chính mà tác giả Nguyễn Thế Bính đề cập đến trong bài "Bàn về chính sách tiền lương của Chính phủ Việt Nam".

Tạp chí số đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn với nội dung phong phú sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin tham khảo hữu ích./.