1 luật sửa 8 luật để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh
Kịp thời gỡ vướng về thể chế
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đang diễn ra, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc xây dựng Luật nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Long, việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tinh thần là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Cơ quan thẩm tra ủng hộ hướng sửa đổi
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, theo ông Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung này) cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định tại Điều 34a về thực hiện trước các hoạt động phải tuân thủ các quy định khác có liên quan của Luật Đấu thầu. Ủy ban Kinh tế còn đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định đầy đủ, chặt chẽ, khả thi những vấn đề mang tính nguyên tắc; báo cáo tiến độ ban hành Nghị định, đáp ứng tính cấp thiết, cấp bách của chính sách...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật. Ảnh: Quốc hội |
Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy các luật có quy định sửa đổi, bổ sung thuộc dự án Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh độc lập và điều kiện bảo đảm thi hành khác nhau, vì vậy, cần quy định về áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của từng quy định sửa đổi, bổ sung, phù hợp với quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. |
Về nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đa số ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung này) tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực. Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Cũng cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi tổng thể Luật Điện lực, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật. Về quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự chặt chẽ, vì lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng, nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia, nên nhà nước cần vận hành… Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực truyền tải điện. Tong Quy hoạch điện cần xác định 2 danh mục dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng và do tư nhân đầu tư xây dựng.
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung này) đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung của Luật. Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song đề nghị cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi và đánh giá tác động, phân tích sâu hơn nhằm đạt mục tiêu chính sách. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật này, để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022 nhằm đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.../.
Bình luận