Để thu hút các nguồn vốn FDI mới, Việt Nam cần tập trung các giải pháp nào?
Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam điểm đến đáng tin cậy với nhà đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày 06/9/2024, phân tích về các lợi thế của Việt Nam, dưới góc độ nhà đầu tư, ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn. Việt Nam có các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.

Theo ông Wee Ee Cheong, Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó, ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay Việt Nam là điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc +1”.

Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại và cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.

Hiện các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam đang tìm cách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình, đa dạng hóa và ưu tiên nguồn cung ứng tại chỗ; nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng thiếu ổn định và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do tình hình và xu hướng sản xuất công nghiệp toàn cầu thường xuyên biến động.

Từ đó, cơ hội ngày càng rộng mở đối với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 05/12/2024, thỏa thuận hợp tác giữa NVIDIA - Tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới và Chính phủ Việt Nam đã được ký kết, sau hơn 1 năm kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA. Theo thỏa thuận, NVIDIA sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC (Vietnam Research and Development Center), cùng với Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Việc chính thức ký thỏa thuận hợp tác cho thấy quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch Jensen Huang trong việc biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai của NVIDIA", cũng như sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nước ta. Nhiều ý kiến nhận định, NVIDIA lựa chọn Việt Nam chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thu hút các nhà ĐTNN trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao nói riêng và ĐTNN nói chung đến Việt Nam trong thời gian tới.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tin tưởng và đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Từ niềm tin và mong muốn gắn bó như vậy dẫn đến các thỏa thuận hợp tác, trong đó hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây là một điển hình.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều đáng lưu ý là trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tăng nhẹ (1%) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh 11 tháng đều tăng cả về số lượng dự án mới/lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như vốn đầu tư mới/tăng thêm. Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn duy trì được mức tăng tương đối cao (tăng 40,7%) so với cùng kỳ. Riêng tháng 11 ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn trong 11 tháng.

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về đầu tư, các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đều đánh giá, khi thị trường đầu tư thế giới ảm đạm, thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất tốt. Đây là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Để thu hút các nguồn vốn FDI mới, Việt Nam cần tập trung các giải pháp nào?
Các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đều đánh giá, khi thị trường đầu tư thế giới ảm đạm, thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất tốt. Đây là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Thêm xung lực mới thúc đẩy dòng vốn FDI chảy về Việt Nam

Bên cạnh đó, về chính sách, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 (Luật sửa 4 Luật), có hiệu lực từ ngày 15/1/2025. Trong đó, đã thông qua quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Theo đó, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).

Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định về Thủ tục đầu tư đặc biệt tại Luật sửa 4 Luật có thể đăng ký đầu tư theo quy định mới. Bên cạnh đó, kể từ ngày 15/1/2025, các dự án công nghệ cao đang hoạt động, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định cũng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án. Từ thực tiễn triển khai dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc, Dubai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần chia sẻ rằng, việc thiết kế một “luồng xanh” thủ tục đầu tư sẽ tăng sức hút đối với các dự án công nghệ cao trong bối cảnh cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay.

Hiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa 4 Luật đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, để kịp thời quy định chi tiết các nội dung mới, trong đó có thủ tục đầu tư đặc biệt, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật.

Cùng với đó, Luật sửa 4 Luật quy định Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Những chính sách hỗ trợ mới này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 40./.