HÀNH TRÌNH HỢP NHẤT VÀ PHÁT HUY BỀ DÀY TRUYỀN THỐNG

Hòa chung với không khí hào hùng của đất nước trong những ngày tháng 8 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 02/9, ngày 5/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (05/8/2002 - 05/8/2022).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Ngay từ khi mới thành lập, trong một thời gian ngắn trên cơ sở kế thừa và phát huy bề dày truyền thống của những lĩnh vực tiền thân như đất đai, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy; củng cố, phát triển nền tảng quản lý đa ngành từ trung ương đến địa phương.

Với phương châm hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của thực tiễn, Bộ đã tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng về tài nguyên và môi trường, chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về đất đai, Luật đất đai 2003, Luật bảo vệ môi trường 2005, Luật sửa đổi một số Điều của Luật Khoáng sản, tạo lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường phân cấp cho địa phương; hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, của công dân trong bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách một bước thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thí điểm cơ chế "một cửa" "một cửa liên thông", Bộ thường xuyên tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế chính sách. Việc thắt chặt kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong từng lĩnh vực được Nhân dân, doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao.

20 năm hợp nhất, phát triển ngành tài nguyên và môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước/Ảnh: Nhật Bắc

Trong giai đoạn đất nước phải đương đầu với khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Bộ đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa để phát huy nguồn lực tài nguyên, từng bước nâng cao giá trị đóng góp cho ngân sách, tạo thêm xung lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được hoàn thiện, đưa tài nguyên và môi trường trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong đó, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới luật được ban hành đã góp phần giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển.

Trong giai đoạn này, lần đầu tiên, nước ta có Luật Đa dạng sinh học, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với những quan điểm mới được tiếp thu từ quốc tế, vừa đáp ứng được tính thời sự, hội nhập, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước về phát triển bền vững, sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái; ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, đánh dấu bước hội nhập mới của Việt Nam với quốc tế.

Khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, nước ta cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” (phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái) sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp), phát triển bền vững kinh tế biển.

Bộ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành quyết sách tổng thể, toàn diện, xác lập vai trò đặc biệt quan trọng về quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, các Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đất đai, Nghị quyết số 36-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Luật tài nguyên nước 2012, Luật đất đai 2013, Luật bảo vệ môi trường 2014, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật khí tượng thủy văn 2015, Luật đo đạc và bản đồ 2018…đã được ban hành, thiết lập hệ thống chủ trương, hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, không gian sinh tồn và bảo vệ môi trường cho phát triển. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bám sát phương châm kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hội nhập biến thách thức thành cơ hội, Bộ đã đổi mới tư duy làm chính sách chuyển từ thắt chặt quản lý bằng công cụ hành chính sang áp dụng các công cụ kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy doanh nghiệp và người dân thực hiện; đặc biệt, chú trọng phân tích dự báo các xu thế quốc tế trong điều kiện hội nhập, đánh giá các tác động để chính sách không chỉ giải đúng và trúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới cho phát triển…

NHỮNG ĐÓNG GÓP LỚN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp đối với sự phát triển đất nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong mỗi giai đoạn, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, phân tích, dự báo xu thế của thời đại, ngành đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành và lớn mạnh.

20 năm hợp nhất, phát triển ngành tài nguyên và môi trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực và đóng góp đối với sự phát triển đất nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ảnh: Nhật Bắc

Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được cơ bản hoàn thiện đồng bộ trên tất cả 9 lĩnh vực. Các nguồn tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tiềm năng lợi thế về biển được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư. An ninh tài nguyên nước được chú trọng.

Chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám... hướng tới phát triển kinh tế số. Công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, chuyển từ tư duy bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái của quốc gia.

Ngành đã chủ động, đóng góp nhiều sáng kiến quy mô khu vực và toàn cầu liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên…

Đặc biệt, việc tham gia Thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 lên vị trí 51/165 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 37 bậc so với năm 2016.

Chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển; đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của đất nước ta.

Đội ngũ cán bộ, công chức của ngành được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; số lượng và chất lượng đã được nâng lên một bước. Tổ chức bộ máy đang trong quá trình tinh giản, bớt khâu trung gian để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Với những đóng góp to lớn của ngành, tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng trao những phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường./.