3 kết quả nổi bật trong liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế
Sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế được thể hiện qua 3 khía cạnh sau:
Phối hợp trong cải cách thủ tục gia nhập thị trường
Sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong thủ tục gia nhập thị trường lần đầu tiên vào năm 2007 trên cơ sở Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA, ngày 27/02/2007 về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết ba thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu.
Tiếp đó, năm 2008, sự phối hợp này lại được tăng cường trên cơ sở Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA, ngày 29/07/2008 hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu (thay thế Thông tư số 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA).
Năm 2010, liên thông điện tử hai thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành một thủ tục duy nhất: "Thủ tục đăng ký doanh nghiệp" trên cơ sở Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/04/2010 về đăng ký doanh nghiệp.
Đặc biệt, đến năm 2015, các thủ tục của cơ quan Đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế đã được liên thông điện tử tự động trên cơ sở Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/09/2015 (thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP).
Theo đó, trải qua một chặng đường dài hơn 10 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Cụ thể, giảm thời gian giải quyết 2 thủ tục này từ 32 ngày (năm 2005) xuống còn 15 ngày (2007), 5 ngày (2008) và hiện nay là 3 ngày đối với các doanh nghiệp thành lập mới.
Liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế giúp giảm thời gian gia nhập thị trường |
Phối hợp trong việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước còn phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo pháp luật, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đã phối hợp triển khai có hiệu quả một số công việc, đó là: Phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp và công khai thông tin doanh nghiệp; Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Phối hợp trong công tác thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Phối hợp trong xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Phối hợp trong việc rà soát, đồng bộ thông tin về doanh nghiệp
Từ cuối năm 2010 đến nay, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã thực hiện việc kết nối, trao đổi thông tin liên tục, tự động giữa Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống Thông tin Đăng ký Thuế, cùng với đó là việc phối hợp thực hiện rà soát, đồng bộ thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, qua hơn 7 năm thực hiện kết nối, trao đổi thông tin giữa Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống Thông tin Đăng ký Thuế, thì số liệu doanh nghiệp của hai cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã cơ bản thống nhất.
Theo số liệu thống kê tại thời điểm ngày 20/05/2017, hiện Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang lưu trữ 1.270.311 dữ liệu, trong đó: dữ liệu về doanh nghiệp là 987.269 doanh nghiệp và dữ liệu về các đơn vị trực thuộc là 283.042 đơn vị./.
Bình luận