Bạn được “tăng sức đề kháng”

Còn gì tuyệt hơn khi được làm việc với một vị sếp dễ tính, dễ chịu. Bạn sẽ trải qua những ngày làm việc bình an, vui vẻ và thoải mái, không phải lo sợ hay áp lực quá lớn. Rời công sở về nhà không còn phải bị ám ảnh bởi hình ảnh một vị sếp khó ưa.

Tuy nhiên, nếu chẳng may cấp trên là một vị sếp khó tính, luôn giám sát gắt gao và để ý đến từng chi tiết hoặc sẵn sàng ném vào bạn mớ công việc khó nhằn lại còn đòi hỏi cao thì cũng đừng quá nản lòng.Đây là cơ hội để được rèn luyện. Nếu sếp muốn nhân viên luôn hoàn hảo, có nghĩa bạn cần tập trung cao độ, nỗ lực hết mình để đạt yêu cầu của sếp.Làm việc với sếp kiểu này lâu ngày, nhân viên sẽ nhận thấy mình cũng đã thay đổi nhiều, đó là được làm quen với môi trường làm việc khắc nghiệt, năng lực, trình độ của bạn được nâng lên rõ rệt, khả năng chịu áp lực công việc với cường độ cao cũng tốt hơn. Nếu chuyển môi trường khác, bạn cũng sẽ có dư “sức chống chọi” để làm việc tốt mà không sợ “đuối”.

Bạn sẽ phát triển và củng cố các kỹ năng quan trọng tại nơi làm việc

Vì bạn không cảm thấy an toàn khi hỏi sếp về một vấn đề gì đó hoặc nhờ giúp đỡ, bạn sẽ họic cách giải quyết vấn đề. Bạn sẽ trở thành một người chủ động, tự tìm ra cách đóng góp cho công ty ngoài trách nhiệm chính của mình. Bạn đánh giá vấn đề, khó khăn và đưa ra các giải pháp sáng tạo. Bạn tập trung năng lượng để hợp tác chặt chẽ hơn với đồng nghiệp bằng cách đưa ra ý tưởng và nhận ý kiến phản hồi từ họ.

Ngoài ra, bạn cũng học hỏi và phát triển rất nhiều sự kiên nhẫn khi xử lý các tình huống khó khăn với một vị sếp khó tính. Kiên nhẫn là một đức tính không dễ dàng với mọi người và một khi bạn phát triển nó, bạn sẽ tiến một bước dài với đặc điểm này.

Bạn sẽ thực tế hơn

Thông thường, một số người còn mang tính mơ hồ, thiếu thực tế và không xác định được mục tiêu cụ thể, đặc biệt với những người trẻ mới đi làm. Một vị sếp khó tính sẽ dạy cho họ cách trưởng thành theo thời gian, những bài học giá trị về lao động, về mục đích và cả sự đánh đổi, sự gian nan để sống sót khi đã đi làm. Cái giá của thành công vốn không dễ dàng có được. Chính vì vậy, ngừng than trách sếp và hãy tận dụng cơ hội này để thay đổi chính cách nhìn cuộc sống, giúp bạn thực tế, thấu cảm được giá trị của đồng tiền, của sức lao động và tìm cách làm cho sự nghiệp của mình tốt hơn. Bạn sẽ thấy biết ơn vị sếp khó tính của mình hơn.

Bạn sẽ trở thành người sếp tốt hơn

Có thể ở một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành quản lý ở một tổ chức khác. Lúc ấy, bạn sẽ thường xuyên tự hỏi: Cần làm gì để trở thành một nhà quản lý giỏi? Những trải nghiệm đã có cùng người quản lý khó khăn sẽ cho bạn biết mình nên làm những gì và không nên làm gì. Các bài học lãnh đạo trong thực tế này có giá trị hơn bất kỳ bài học nào mà nhà trường có thể cung cấp.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp nhiều kiểu người khác nhau, dù xấu dù tốt, họ đều dạy ta những bài học. Đi làm cũng vậy, không phải tất cả các nhà quản lý đều có đức tính và cách đối xử như nhau. Chấp nhận được sự đa dạng đó cũng chứng tỏ rằng bạn đã trưởng thành hơn, biết vị trí mình ở đâu để từ đó nỗ lực phấn đấu thay đổi bản thân. Làm việc với sếp khó tính cũng không quá khó nếu bạn chứng tỏ mình đã thực sự nỗ lực như thế nào để sếp ghi nhận. Và đó là những lý do bạn nên cảm ơn nếu sếp có khó khăn đối với mình.

Cập nhật thông tin tuyển dụng nhanh nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM