9 tháng 2016: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%
Cụ thể là, IIP tháng 9/2016 ước tính tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4% (Biểu đồ).
Tính chung 9 tháng, IIP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,1%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm mức tăng chung.
Có thể thấy rằng, tốc độ tăng IIP tháng 9/2016 đã nhích lên 1% so với tháng trước, song nhìn chung vẫn ở mức thấp. Nếu so với tốc độ tăng của năm 2015 thì IIP tháng 9/2016 giảm khá sâu. Nguyên nhân chính vẫn là do do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm, thậm chí tháng 9/2016 ngành khai khoáng giảm mạnh hơn sơ với tháng trước (7,1% tháng 9/2016 so với 5,1% tháng 8/2016).
Xét theo công dụng của sản phẩm, các sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) tăng 5,6%; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 8,9%, trong đó sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 11%; sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 7,8%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 16,9%; dệt tăng 16,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 14,9%... Kéo theo một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Ti vi tăng 86%; thép cán tăng 24,3%; ô tô tăng 21%; thức ăn gia súc tăng 20,3%; sắt thép thô tăng 17,2%...
Về tốc độ tăng trưởng công nghiệp tại các địa phương, Quảng Nam vẫn duy trì được vị trí số 1, với mức tăng 30,7%; tiếp đến là Thái Nguyên tăng 28,5%; Hải Phòng tăng 16,5%; Đà Nẵng tăng 12,1%; Cần Thơ tăng 11%; Bình Dương tăng 9,6%; Bắc Ninh tăng 9,1%; Hải Dương tăng 8,2%; Đồng Nai tăng 7,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,3%; Hà Nội tăng 7,1%; Quảng Ninh tăng 5,6%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2016 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 13,2%). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 19,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,7%; dệt tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,8%; sản xuất đồ uống tăng10,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2016 tăng 9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,9%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 125% (chủ yếu là sản phẩm điện thoại di động mới sản xuất); sản xuất xe có động cơ tăng 40,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 32,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 22,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,1%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 8 tháng năm 2016 là 68,4% (cùng kỳ năm trước là 74%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 129,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 112,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 106,3%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2016 tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,8%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,4%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%./.
Bình luận