Theo đó, mạng lưới điện đã phủ khắp 100% số xã và tỷ lệ nông thôn đã có điện đạt 97,8%. Đây là thành tựu lớn của chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.

Hệ thống giao thông nông thôn có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đến ngày 1/7/2016, cả nước có 8.927 xã có đường ô tô từ trụ sở UBND huyện về UBND xã, chiếm 99,4% tổng số xã. Tỷ lệ xã có đường giao thông từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã được nhựa, bê tông hoá tăng nhanh trong vòng 10 năm qua (từ 70,1% năm 2006 tăng lên 87,4% năm 2011, đến năm 2016 đạt 97%). Hai vùng có tỷ lệ tăng nhanh nhất so với năm 2006 là Trung du và miền núi phía Bắc (từ 45,8% năm 2006 tăng lên 71,0% năm 2011, đến năm 2016 đạt 93,3%) và Tây Nguyên (các tỷ lệ tương ứng của 3 kỳ là 65,6%; 84,0% và 96,7%).

Hệ thống trường học được duy trì ổn định, với 99,6% số xã có trường mẫu giáo và 99,7% số xã có trường tiểu học. Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở đạt 92,8% và 13,5% số xã có trường trung học phổ thông (tương ứng năm 2011 lần lượt là 92,9%; 12,8%).

Bên cạnh đó, 58,6% số xã có nhà văn hóa. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trên 90% số xã có nhà văn hóa xã (Vĩnh Phúc 95,5%; Hải Phòng 97,9%; Nghệ An 90,1%; Đà Nẵng 100%; Tây Ninh 93,8%; Sóc Trăng 100%). Đồng thời có 99,5% số xã có trạm y tế…Tính chung, cả nước có 2.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,1% tổng số xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới.

Cũng theo Báo cáo công bố, đến năm 2016, cả nước có 60,8% số xã có chợ ( năm 2011 đạt 57,6%), trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt mức tăng cao nhất với tỷ lệ 72,9% số xã ( năm 2011 đạt 64,8%); vùng có tỷ lệ xã có chợ đạt thấp nhất là Tây Nguyên chỉ đạt 37,7%. Mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản cho người dân phát triển nhanh và tăng ở tất cả các vùng trên cả nước, số xã có sở sở, cửa hàng đạt tỷ lệ 80,5% ( năm 2011 đạt 66,5%).

Báo cáo cho biết, tính đến thời điểm 1/7/2016, cả nước có 8.978 xã, 79.899 thôn, tức giảm 93 xã và giảm 1.005 thôn so với cùng thời điểm năm 2011. Số lượng xã, thôn giảm là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây.

97,8% nông thôn Việt Nam đã có điện lưới quốc gia

Cả nước có 2.479 xã có mô hình tổ hợp tác hỗ trợ phát triển sản xuất, chiếm 27,6% tổng số xã; trong đó, phát triển mạnh ở Đông Nam Bộ (chiếm 61,5% số xã) và Đồng bằng sông Cửa Long ( chiếm 84,3% số xã).

Kết quả điều tra cho thấy, cơ cấu hộ nông thôn có sự chuyển dịch từ hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản sang hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 71,1% năm 2006 xuống 62,1% năm 2011 và 53,9% năm 2016; tỷ trọng hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tương ứng 25,1%, 33,4% và 39,6%.

Số hộ gia đình có nguồn thu nhập lớn từ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm; từ phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên, tăng nhiều nhất thuộc nhóm hộ có nguồn thu nhập từ hoạt động công nghiệp-xây dựng, chiếm tỷ trọng là 11,3% năm 2006; 17,3% năm 2011 và 22,7% năm 2016. Nguồn thu của các hộ không phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như thời gian trước.

Đồng thời, đang có sự gia tăng về số lượng trang trại, đến thời điểm 01/7/2016 cả nước có 33.488 trang trại, tăng 13.460 trang trại (tăng 67,2%) so với năm 2011. Từ năm 2011 đến năm 2016 bình quân mỗi năm số lượng trang trại của cả nước tăng hơn 13%. Tổng thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại năm 2016 đạt 93.098 tỷ đồng, tăng 54.007 tỷ đồng (tăng 138,2%) so với năm 2011.

Tính đến thời điểm 01/7/2016, trên phạm vi cả nước có tổng số 2.262 cánh đồng lớn; trong đó có 1661 cánh đồng trồng lúa, chiếm 73,4%; 50 cánh đồng trồng ngô, chiếm 2,2%; 95 cánh đồng mía, chiếm 4,2%; 162 cánh đồng rau các loại, chiếm 7,2%;…

Báo cáo cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế như: mặc dù đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm, nhưng kết quả còn hạn chế, tỷ lệ thôn chưa có điện ở một số tỉnh miền núi còn cao như: Điện Biên 14,7%; Hà Giang 11,1%; Sơn La 10,9%; Lào Cai 10,4%; Bắc Kạn 8,5%...

Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông ở vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo còn nhiều khó khăn. Cả nước vẫn có 1,2% số xã có đường ô tô không đi lại được quanh năm; 3% số xã chưa có đường đến UBND xã được rải nhựa, bê tông hóa, tập trung ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc…

Số xã chưa đạt chuẩn Nông thôn mới có tỷ trọng lớn, chiếm gần 77% tổng số xã của cả nước. Trong đó, khoảng 70%-80% các xã chưa đạt Nông thôn mới gặp khó khăn đối với việc thực hiện các tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa”, “Giao thông”, “Trường học” và “Môi trường”. Khoảng 60% số xã chưa đạt các tiêu chí này tập trung tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Ngoài ra, vấn đề môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Hiện chỉ có 35,5% số thôn có xử lý rác thải sinh hoạt. Việc xây dựng hệ thống thoát nước thải cũng chỉ tập trung ở một số địa bàn nông thôn.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2016 đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Kết quả chính thức Tổng điều tra năm 2016 sẽ được công bố vào Quý III/2017./.