Theo đó, Thông tư số 12/2018/TT-BCT ban hành Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo mã số hàng hóa (mã HS) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương; ban hành Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo mã HS.

Thông tư cũng quy định các mẫu đơn (bao gồm: Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm nhập, tái xuất theo hình thức khác; Giấy phép tạm xuất, tái nhập; Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu; Mẫu đơn đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép quá cảnh hàng hoá; Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục và Giấy phép nhập khẩu mẫu quân phục), mẫu báo cáo (bao gồm: Mẫu báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu; Mẫu báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa), các biểu mẫu phối hợp, cung cấp thông tin và cơ quan cấp giấy phép của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

Đồng thời, công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu như sau: Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo đối với các mặt hàng muối, trứng gia cầm, đường tinh luyện, đường thô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và thông báo cho Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 15/11 hàng năm; Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu do Bộ Công Thương quyết định trước ngày 15/11 hàng năm; Trên cơ sở cam kết quốc tế, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đã được quyết định hàng năm theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 12, Bộ Công Thương chính thức công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm và quy định phương thức điều hành đối với từng mặt hàng.

Một số diều của Luật Quản lý ngoại thương được quy định chi tiết tại Thông tư số 12/2018/TT-BCT

Bộ Công Thương cũng quy định, thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc được Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thì được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu ghi trong Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc ghi trong thông báo quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.

Đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan thì được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Các trường hợp áp dụng phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu khác với phương thức quản lý quy định tại khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, về đối tượng được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, trong đó, đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu, thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu.

Đối với mặt hàng muối, thương nhân có nhu cầu sử dụng muối cho sản xuất được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận.

Đối với mặt hàng trứng gia cầm, thương nhân có nhu cầu nhập khẩu trứng gia cầm.

Đối với mặt hàng đường tinh luyện, đường thô, thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công Thương trên cơ sở trao đổi ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

Trên cơ sở lượng hạn ngạch thuế quan công bố hàng năm và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân. Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

Quy trình cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP./.