Ba trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0 hoàn toàn gắn kết với ưu tiên phát triển của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế công nghiệp Mê Công - Nhật Bản lần thứ 13 (ảnh Đức Trung)

Ngày 13/9/2021, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Lào Khampheng Saysompheng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế công nghiệp Mê Công - Nhật Bản lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến. Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Báo cáo Tầm nhìn Mê Công - Nhật Bản (MIDV 2.0) tập trung vào 03 trụ cột Kết nối, Đổi mới kỹ thuật số, Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và cụ thể hóa thông qua các dự án được triển khai tại Chương trình công việc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng Mê Công theo hướng hội nhập, bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Tiểu vùng. Đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh mà Nhật Bản có thể chia sẻ, chuyển giao công nghệ.

Với Việt Nam, năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam bước vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, thông qua những đột phá chiến lược về kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững dựa trên đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2045.

Ba trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0 hoàn toàn gắn kết với ưu tiên phát triển của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama dự Hội nghị tại đầu cầu Nhật Bản (ảnh Đức Trung)

Trưởng đoàn Việt Nam nhận định, những trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0 cũng hoàn toàn gắn kết với những ưu tiên phát triển của Việt Nam. Thứ nhất, về kết nối, Chính phủ Việt Nam xác định để phát triển nhanh và bền vững, kết nối hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Ngay trong năm 2020 - 2021, nhiều tuyến đường thuộc mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã được khởi công, phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác 5000 km đường cao tốc. Về kết nối mềm, trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình “một cửa, một lần dừng’. Ngoài ra, cũng đang tích cực tham gia nghiên cứu cơ chế một cửa – một điểm dừng quốc gia và ASEAN.

Thứ hai, về đổi mới kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam chủ trương chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP; dự kiến trong năm 2021 ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Vào năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt nam đã được thiết lập, thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài, kết nối với các tri thức, nhà khoa học trong nước, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới.

Thứ ba, về thực hiện SDGs, các mục tiêu của phát triển bền vững đã được lồng ghép vào các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực đó, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam liên tục tăng (năm 2016 xếp thứ 88/149 nước, đến năm 2020 xếp thứ 49/166 nước).

Ba trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0 hoàn toàn gắn kết với ưu tiên phát triển của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Lào Khampheng Saysompheng đồng chủ trì Hội nghị (ảnh Đức Trung)

“Chúng tôi thấy rằng, các đề xuất dự án mới của Nhật Bản và Ban Thư ký Ủy ban hợp tác kinh tế công nghiệp ASEAN - Nhật Bản (AMEICC) đã bám sát các trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Theo đó, Dự án “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm rất thành công của Nhật Bản trong việc phát huy lợi thế so sánh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các sản phẩm đặc thù tại các địa phương cho cộng đồng cư dân nhỏ tại các nước Mê Công; đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động.

Đối với Dự án Đào tạo thương mại điện tử cho các cán bộ Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về cách tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý nhà nước cho các nước Mê Công. Cùng với đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực trong giảm thải khí Carbon; và Đối thoại thúc đẩy phát triển bền vững là các dự án có tính thiết thực, bám sát mục tiêu mà SDGs đã đề ra.

Tại sự kiện, Trưởng đoàn Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Nhật Bản đã hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam nói riêng, các nước Mê Công nói chung để giúp sớm khắc phục được dịch bệnh, bảo đảm đời sống, sức khỏe của nhân dân./.