Bài 5: Yêu cầu tích hợp quy hoạch đối với quy hoạch vùng
Lời toà soạn: Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã đăng tải khá nhiều bài về tích hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực, nhưng việc triển khai tích hợp quy hoạch vẫn đang có nhiều vướng mắc, làm chậm trễ tiến độ lập quy hoạch, chậm tiến trình phát triển. Để góp phần vào “tháo gỡ” những vướng mắc, hướng dẫn triển khai tích hợp quy hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin giới thiệu chùm bài gồm 6 kỳ của TS. Ngô Công Thành, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bài 4: Vài suy nghĩ về tích hợp quy hoạch đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận gắn với một lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau. Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh. Đây cũng là loại quy hoạch yêu cầu cao về tích hợp quy hoạch. Bài viết này sẽ phân tích yêu cầu về tích hợp quy hoạch đối với quy hoạch vùng trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 26, Luật Quy hoạch năm 2017, nội dung quy hoạch vùng xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Nội dung cụ thể của quy hoạch vùng quy định tại khoản 2, Điều 26, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 27, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Tích hợp quy hoạch đối với quy hoạch vùng đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Xác định các hợp phần quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch vùng và phân công cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch
Theo Điều 3, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, hợp phần quy hoạch là một nội dung của quy hoạch vùng được lập để thực hiện tích hợp quy hoạch. Cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch là bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm hoặc được phân công tổ chức lập hợp phần quy hoạch. Cơ quan lập hợp phần quy hoạch là cơ quan được cơ quan tổ chức lập quy hoạch vùng giao trách nhiệm lập hợp phần quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch vùng.
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 26, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 27, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, đối với quy hoạch vùng, có thể đề xuất phân công các bộ tổ chức lập các hợp phần quy hoạch trong phạm vi lãnh thổ vùng, cụ thể như sau:
- Bộ Xây dựng: Xác định hệ thống đô thị và nông thôn; Phương hướng sắp xếp không gian các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng và liên tỉnh; Phương hướng phát triển mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải vùng.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xác định các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên lãnh thổ vùng; Phương án liên kết hệ thống đô thị cấp vùng, liên kết đô thị và nông thôn, liên kết các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và vùng sản xuất tập trung trên lãnh thổ vùng.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xác định các khu du lịch, khu thể dục thể thao, khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; Xác định các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.
- Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng và liên tỉnh.
- Bộ Công Thương xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới cấp điện và cung cấp năng lượng vùng.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước vùng; Phương hướng phát triển hệ thống đê điều, kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng; Phương hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất liên tỉnh và kết cấu hạ tầng lâm nghiệp của vùng.
- Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới viễn thông vùng;
- Bộ Y tế xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở y tế vùng.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo vùng;
- Bộ Lao động, Thương binh và xã hội xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề và bảo trợ xã hội vùng.
- Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở khoa học - công nghệ công lập của vùng.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của vùng; Phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng; Phương hướng phân bổ sử dụng không gian biển thuộc phạm vi vùng (đối với vùng có biển).
Như vậy, có ít nhất 20 hợp phần quy hoạch được lập để tích hợp vào quy hoạch vùng. Ngoài ra, có thể có các hợp phần quy hoạch về phương hướng phát triển tiểu vùng, vùng liên tỉnh hoặc khu vực lãnh thổ đặc biệt trong phạm vi lãnh thổ vùng tùy theo ý tưởng lập quy hoạch và quyết định của Hội đồng quy hoạch quốc gia.
2. Yêu cầu về tiếp cận tổng hợp trong việc lập quy hoạch vùng
Để thực hiện quy trình lập quy hoạch vùng quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Quy hoạch năm 2017, thì việc tiếp cận tổng hợp khi lập quy hoạch vùng cần phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, cơ sở thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ lập quy hoạch vùng được thu thập, thống kê ở cùng một thời điểm và được dùng chung cho tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia lập quy hoạch và lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng.
Thứ hai, các nội dung quy hoạch vùng dưới đây do cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tổng hợp chung để tạo dựng cơ sở lập quy hoạch và lập hợp phần quy hoạch:
(1) Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng, gồm các nội dung: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng; hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế; các nguồn lực của vùng đã và đang được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng; vị thế, vai trò của vùng đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
(2) Quan điểm và mục tiêu phát triển vùng, gồm các nội dung: quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; mục tiêu tổng quát phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến 30 năm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch.
(3) Phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng, gồm các nội dung: xác định ngành có lợi thế và mục tiêu phát triển; tổ chức không gian phát triển ngành có lợi thế; đề xuất giải pháp phát triển ngành có lợi thế của vùng.
(4) Phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng, gồm các nội dung: sắp xếp và tổ chức không gian phát triển các dự án quan trọng cấp quốc gia đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia trên lãnh thổ vùng; xây dựng và lựa chọn phương án phát triển không gian vùng gồm các hành lang phát triển, các khu vực khuyến khích phát triển; xác định nguyên tắc tổ chức, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn trong vùng; xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của vùng trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phân bổ nguồn lực trên lãnh thổ vùng phù hợp với phương án phát triển không gian vùng; đề xuất phương án tổ chức liên kết không gian vùng, cơ chế phối hợp tổ chức phát triển không gian liên tỉnh.
3. Yêu cầu về phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc lập quy hoạch vùng
Một là, từng cơ quan tham gia lập quy hoạch vùng phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Cụ thể là:
- Theo khoản 2, Điều 14, Luật Quy hoạch năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch vùng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ thực hiện trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch vùng quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch vùng quy định tại Điều 9, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
- Các bộ và UBND cấp tỉnh liên quan (nếu có) thực hiện trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Các cơ quan, tổ chức được bộ, UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Tổ chức tư vấn lập quy hoạch vùng thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản 1, Điều 14, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Tổ chức tư vấn lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản 4, Điều 14, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Hai là, cơ quan lập quy hoạch vùng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phải xác định rõ yêu cầu đối với từng hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng về phạm vi, nội dung của hợp phần quy hoạch.
Yêu cầu về nội dung đối với từng hợp phần quy hoạch phải tương thích với nội dung chính của quy hoạch vùng quy định tại khoản 2, Điều 26, Luật Quy hoạch và Điều 27, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Đồng thời, trên cơ sở các dự án quan trọng quốc gia đã được xác định trên lãnh thổ vùng phải xác định các dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực liên quan đến hợp phần quy hoạch (quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư, địa điểm dự kiến đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên và đất đai) và thể hiện nội dung hợp phần quy hoạch trên bản đồ.
Hợp phần quy hoạch phải được thẩm định và đảm bảo yêu cầu về chất lượng quy hoạch trước khi gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép vào quy hoạch vùng.
Ba là, phải có kế hoạch lập quy hoạch vùng chuẩn xác và khả thi. Yêu cầu này đòi hỏi phải xây dựng được kế hoạch lập quy hoạch vùng phù hợp với điều kiện thực tế, bám sát quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 3, Điều 16 của Luật Quy hoạch năm 2017, Điều 9 và Điều 12 của Nghị định số 37/2020/NĐ-CP (quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan tham gia vào quá trình lập quy hoạch vùng).
Kế hoạch lập quy hoạch cần tính thời điểm bắt đầu từ khi nhiệm vụ lập quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định các mốc thời gian phải hoàn thành từng nội dung cụ thể của quy hoạch.
Nội dung của kế hoạch lập quy hoạch vùng cần quy định chi tiết về từng nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện, yêu cầu về tiến độ thực hiện và sản phẩm đầu ra đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch được phân công cho cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan lập hợp phần quy hoạch để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và tính khả thi của kế hoạch.
4. Quy trình lập quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp
Trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 16, Luật Quy hoạch, có thể cụ thể hóa quy trình lập quy hoạch vùng gồm 8 công đoạn, với 26 bước như sau:
Công đoạn 1- Lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm 3 bước theo trình tự: (i) Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch vùng; (ii) Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng; (iii) Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng.
Công đoạn 2- Chuẩn bị lập quy hoạch vùng gồm 3 bước theo trình tự: (i) Chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tuyển chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch vùng; (ii) Lập danh sách các đầu mối cơ quan tham gia lập quy hoạch và lập các hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng; (iii) Tổ chức họp các cơ quan tham gia lập quy hoạch để triển khai kế hoạch lập quy hoạch vùng và phân công các đầu mối thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch.
Công đoạn 3- Xây dựng cơ sở lập quy hoạch gồm 4 bước theo trình tự: (i) Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch vùng; (ii) Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; (iii) Xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển vùng; (iv) Xây dựng phương hướng phát triển các ngành có lợi thế; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực trên lãnh thổ vùng.
Công đoạn 4- Lập các hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng (các bộ, UBND cấp tỉnh liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện) gồm 3 bước theo trình tự: (i) Lựa chọn tư vấn lập hợp phần quy hoạch; (ii) Lập hợp phần quy hoạch theo yêu cầu của cơ quan lập quy hoạch vùng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); (iii) Thẩm định hợp phần quy hoạch trước khi gửi Bộ Kế hoạch và và Đầu tư.
Công đoạn 5- Tích hợp nội dung các hợp phần quy hoạch vào quy hoạch vùng gồm 6 bước theo trình tự như sau:
(i) Cơ quan lập quy hoạch vùng rà soát nội dung các hợp phần quy hoạch; xác định các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, các đề xuất không hợp lý và thiếu khả thi.
(ii) Xác định nguyên tắc, cách thức tích hợp quy hoạch:
- Xác định các khu vực lãnh thổ cấm, hạn chế, khuyến khích hoặc ưu tiên phát triển.
- Xây dựng nguyên tắc xử lý các vấn đề liên ngành, liên tỉnh.
- Xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư của vùng trong thời kỳ quy hoạch.
(iii) Xác định cơ hội kết hợp, lồng ghép nội dung các hợp phần quy hoạch với nhau, hướng tới hình thành các công trình, dự án đa mục tiêu.
(iv) Điều chỉnh, bổ sung nội dung hợp phần quy hoạch không đảm bảo yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của quy hoạch (do cơ quan lập hợp phần quy hoạch thực hiện theo yêu cầu của cơ quan lập quy hoạch vùng).
(v) Xây dựng và lựa chọn phương án tích hợp các nội dung quy hoạch vào quy hoạch cần lập:
- Lồng ghép nội dung các hợp phần quy hoạch vào quy hoạch vùng
- Luận chứng danh mục các dự án quan trọng và thứ tự ưu tiên thực hiện.
(vi) Xử lý trường hợp không thống nhất được phương án tích hợp quy hoạch:
- Cơ quan lập quy hoạch tổng hợp các ý kiến chưa thống nhất, đề xuất lựa chọn phương án tích hợp quy hoạch, báo cáo cơ quan tổ chức lập quy hoạch vùng (Thủ tướng Chính phủ).
- Điều chỉnh phương án tích hợp quy hoạch và hoàn thiện quy hoạch vùng theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Công đoạn 6- Lấy ý kiến về quy hoạch vùng gồm 2 bước, theo trình tự: (i) Lấy ý kiến về quy hoạch vùng theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; (ii) Giải trình tiếp thu ý kiến về quy hoạch và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng.
Công đoạn 7- Thẩm định quy hoạch gồm 3 bước trình tự như sau:
- Chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 1, Điều 31, Luật Quy hoạch, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng (do Thủ tướng Chính phủ thành lập); trình hồ sơ thẩm định Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch lên cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược.
- Thẩm định quy hoạch vùng;
- Chỉnh lý, hoàn thiện quy hoạch vùng theo Báo cáo thẩm định và Biên bản phiên họp thẩm định quy hoạch vùng.
Công đoạn 8- Phê duyệt quy hoạch gồm 2 bước: (i) Chuẩn bị hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch theo quy định tại Điều 35, Luật Quy hoạch năm 2017; (ii) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch vùng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2019). Nghị quyết số751/2019/UBTVQH14, ngày 16/08/2019, giải thích một số điều của Luật Quy hoạch
3. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày, 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch
4. Chính phủ (2019). Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch
TS. Ngô Công Thành
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14/2020)
Bình luận