Nhìn lại thương mại Việt Nam chặng đường 30 năm Đổi mới

Trải qua 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, định hướng phát triển thương mại Việt Nam đã từng bước được điều chỉnh cùng với tiến trình cải cách kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa thị trường. Những bước điều chỉnh đó đã mang lại những thành tựu quan trọng trong phát triển thương mại Việt Nam, cụ thể như sau:

Về thương mại trong nước: Thương mại trong nước chuyển biến mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Hoạt động thương mại trong nước, khách sạn, nhà hàng, du lịch và dịch vụ kể từ khi đổi mới đến nay đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Sản xuất phát triển, đời sống của dân cư được cải thiện đã làm cho sức mua của các tầng lớp dân cư tăng lên. Thương mại ngày càng phù hợp với cơ chế thị trường nên thị trường trong nước những năm vừa qua duy trì được mức tăng trưởng ổn định, lưu thông thông suốt, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế đã tăng mạnh từ giai đoạn 2001-2005, trong đó một phần quan trọng là nhờ những chính sách mở cửa thực hiện các cam kết của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có sự chuyển dịch đáng kể, tỷ trọng ngành bán lẻ có xu hướng giảm trong khi tỉ trọng ngành dịch vụ có xu hướng tăng (Bảng 1). Riêng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước.

Bảng 1: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phân theo ngành nghề kinh doanh

1986-1990

1991-1995

1996-2000

2001-2005

2006-2010

2011-2015

Tổng số (tỷ đồng)

40.931

366.514

914.706

1.738.826

5.405.787

13.166.661

Tăng trưởng bình quân (%)/năm

-

45,8

12,8

16,9

27,5

13,8

Tỷ trọng (%)

100

100

100

100

100

100

Theo ngành nghề kinh doanh

Bán lẻ

35.147

361.340

753.952

1372911

4.190.591

9.843.504

Tỷ trọng (%)

85,9

82,2

82,4

79,1

77,0

74,7

Dịch vụ lưu trú, ăn uống

5.784

48.118

106.240

209.785

646.310

1.608.632

Tỷ trọng (%)

14,1

13,1

11,6

11,9

11,9

12,2

Dịch vụ và du lịch

-

17.083

54.515

156.131

595.883

1.714.528

Tỷ trọng (%)

-

4,7

6,0

9,0

11,1

13,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Một trong những thành tựu của thương mại và du lịch Việt Nam trong giai đoạn 1986-2000 là sự cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng.

Nhiều hình thức thu hút khách hàng của các nước tiên tiến trên thế giới cũng được thương mại, du lịch Việt Nam vận dụng, như: việc tổ chức các hội chợ (hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ hàng chất lượng cao, hội chợ hàng đêm...), quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, dịch vụ sau bán hàng (bảo hành, bảo trì); bán hàng qua điện thoại, Fax

Đặc biệt, thương mại điện tử (E-Commerce) cũng đã được các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận. Đội ngũ nhân viên, nhà quản lý trong lĩnh vực thương mại, du lịch đã trưởng thành nhiều mặt, biết cách thu hút khách hàng bằng chính chất lượng phục vụ của mình.

Thương mại điện tử có bước phát triển mạnh mẽ

Từ năm 2001-2016, hình thức bán hàng và phương thức kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước đã phát triển mạnh, đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống, số lượng các siêu thị đã tăng lên nhanh chóng, trong đó có sự tham gia của những tập đoàn siêu thị lớn, như: Metro, BigC, Parson, Zen Plaza, Diamond Plaza, Lotte Mart, Citi Mart, Intimex…

Nhiều cửa hàng không phải siêu thị, nhưng cũng đã áp dụng phương thức bán hàng tự chọn, thuận lợi cho người mua hàng. Bán hàng qua điện thoại, qua mạng internet bước đầu được áp dụng ở một số đô thị lớn. Việc tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ hàng Việt nam chất lượng cao, tháng khuyến mãi, tuần khuyến mãi, ngày khuyến mại và giờ vàng khuyến mại được tiến hành thường xuyên hơn. Đáng chú ý là, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường tiêu dùng trong nước nói chung và thị trường nông thôn nói riêng.

Về thương mại quốc tế: Những bước điều chỉnh về chính sách thương mại đã đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224/255 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về tham gia các hiệp định, tổ chức kinh tế song phương và đa phương: Từ sau năm 1986, đặc biệt là từ đầu thập kỷ 1990 đến nay, Việt Nam đã thực hiện đường lối tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả của thực hiện đường lối đó thể hiện rõ nét qua việc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương, đa phương về kinh tế, thương mại, đầu tư và tham gia nhiều tổ chức kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu.

Riêng trong năm 2015, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc (VKFTA) và với Liên minh Kinh tế Á - Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và FTA với EU (EVFTA), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2015). Tổng cộng đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương, kết thúc đàm phán 2 FTA khác. Các FTA đó bao trùm 55 nền kinh tế (trong đó có 15 nền kinh tế thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU…). Ngoài ra, Việt Nam còn ký kết 80 hiệp định thương mại song phương khác, 46 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 40 hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Các FTA mà Việt Nam tham gia hoặc sẽ ký kết đã và đang mở ra các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận các thị trường rộng lớn của thế giới, giúp đẩy mạnh xuất khẩu của nước ta.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng từ 789 triệu USD năm 1986 lên 162 tỷ USD năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của từng thời kỳ rất cao, thời kỳ từ 1991-1995 tăng gấp 2 lần so với thời kỳ 1986-1990 và đạt 39,9 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 21,4%/năm; thời kỳ 1996-2000 tăng 2,8 lần so với thời kỳ trước và đạt trên 100 tỷ USD (tốc độ tăng bình quân là 17,2%/năm); thời kỳ 2001-2005 tăng 2,1 lần so với thời kỳ trước, đạt 241 tỷ USD (tốc độ tăng bình quân 18,2%/năm); thời kỳ 2006-2010 tăng 2,6 lần thời kỳ trước, đạt 624 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,2%/năm; thời kỳ 2011-2015 cũng tăng 2,1 lần thời kỳ trước, đạt 1.321 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,1%/năm.

Riêng năm 2016, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu ước tính đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 1986-2005 là 21,2%/năm, giai đoạn 2006-2010 là 17,3%/năm và giai đoạn 2011-2015 là 17,9%/năm. Nếu xuất khẩu bình quân 1 năm ở giai đoạn đầu Đổi mới là 1,4 tỷ USD/năm thì giai đoạn 2001-2005 đã tăng lên 22,2 tỷ USD/năm (gấp 16 lần), giai đoạn 2006-2010 là 56 tỷ USD/năm, giai đoạn 2011-2015 là 131,1 tỷ USD/năm, cao gấp đôi so với giai đoạn trước. Thành tích này là nhờ khởi động nhiều chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã trực tiếp và gián tiếp khuyến khích xuất khẩu hàng hóa. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước, một mức tăng khá ấn tượng so với mức tăng 7,9% của năm 2015.

Cùng với tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, nhập khẩu với ý nghĩa là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng cũng tăng khá cao.

Nhập khẩu bình quân tăng lên 26 tỷ USD/năm giai đoạn 2001-2005, cao gấp hơn 10 lần giai đoạn 1986-1990, đạt khoảng 68 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 và đạt 133,2 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2015 (Bảng 2). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2016 đã chuuyển sang trạng thái dương với mức xuất siêu 2,6 tỷ USD.

Bảng 2: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa

1986-1990

1991-1995

1996-2000

2001-2005

2006-2010

2011-2015

Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu (triệu USD)

19.717

39.940

113.440

240.981

623.562

1.321.683

Tốc độ tăng bình quân (%)

15,1

21,4

17,2

18,2

13,2

16,1

Trong đó:

Xuất khẩu (triệu USD)

7.032

17.156

51.825

110.830

280.405

655.701

Tốc độ tăng bình quân (%)

28,0

17,8

21,6

17,5

17,3

17,9

Nhập khẩu (triệu USD)

12.685

22.784

61.615

130.151

343.157

665.982

Tốc độ tăng bình quân (%)

8,2

24,3

13,9

18,8

18,2

14,5

Cán cân thương mại (triệu USD)

-5.653

-5.628

-9.789

-19.321

-62.751

-10.281

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua nhanh, nhưng chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tuy đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhập siêu vẫn là nguy cơ, cơ cấu nhập khẩu còn không ít bất cập... Đồng thời, về cơ bản, tăng trưởng thương mại vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu hàng nông sản thô với hàm lượng chế biến thấp và gia công hàng hóa ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị (dệt may, da giày, điện tử…). Thương mại trong nước phát triển nhanh, nhưng cấu trúc thiếu bền vững; Sự chênh lệch về trình độ phát triển thương mại theo vùng, miền chưa được cải thiện; Các doanh nghiệp thương mại trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp FDI; Hoạt động bán buôn có quy mô, phạm vi nhỏ hẹp cả theo không gian thị trường và phạm vi mặt hàng; Chi phí trong lĩnh vực phân phối cao do mức độ phức tạp, độ dài của các kênh phân phối, sự thiếu hụt của dịch vụ logistics...

Định hướng phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025

Những định hướng phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025, một mặt, cần tập trung giải quyết các vấn đề lớn của nền kinh tế, như: Đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển chiều sâu, chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; Chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế; Thực hiện có hiệu quả các FTA thế hệ mới, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư...

Mặt khác, những định hướng phát triển thương mại cần phải tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, như: Đảm bảo sự cân bằng của cán cân thương mại; Khai thác có hiệu quả các thị trường, nhất là các thị trường đã ký kết FTA; Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng hàng chế biến, giá trị gia tăng cao; Mở rộng thị trường xuất khẩu; Xây dựng cấu trúc ngành dịch vụ phân phối có tính cạnh tranh cao; Chủ động tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; Tạo sự chuyển biến về cơ cấu thương mại trong nước (theo vùng miền, theo loại hình; theo quy mô...); Tăng cường năng lực quản lý thị trường, quan lý lưu thông hàng hóa…

Trên cơ sở đó, theo chúng tôi, phát triển thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2025 cần tập trung vào một số định hướng chủ yếu sau:

Một là, định hướng tăng cường mối quan hệ giữa phát triển thương mại trong nước với phát triển thương mại quốc tế. Phát triển thương mại trong nước với các hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu, từng bước tăng cường xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt đến các cơ sở bán lẻ ở ngoài nước. Phát triển thương mại trong nước có khả năng kiểm soát các nguồn hàng, luồng hàng nhập khẩu nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại… Bên cạnh đó, phát triển xuất khẩu hàng hóa tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong việc tổ chức nguồn hàng, tổ chức các kênh lưu thông hàng hóa trong nước, duy trì sự ổn định và đảm bảo sự phát triển bền vững của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước. Phát triển xuất khẩu góp phần tiêu chuẩn hóa, nâng cao giá trị thương mại cho hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước…

Hai là, phát triển thương mại trong nước theo hướng xây dựng cấu trúc ngành bán buôn buôn, bán lẻ hiện đại, nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ phân phối. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, có khả năng phát triển các phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu.

Phát triển nhanh các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại phục vụ cho hoạt động bán buôn các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp (lưu thông trong nước và xuất - nhập khẩu). Tạo lập các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển nhanh các loại hình và phương thức bán buôn hiện đại góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất, bao gồm tái cơ cấu theo ngành sản phẩm, phát triển vùng sản xuất tập trung và tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với củng cố và nâng cao trình độ văn minh của loại hình chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu.

Ba là, phát triển thương mại quốc tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại, chuyển dịch mạnh cơ cấu xuất khẩu cả về mặt hàng và thị trường, tăng cường năng lực quản lý nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng xuất nhập khẩu thông qua ký kết các FTA song phương và đa phương. Trong đó, chú trọng chọn lựa những đối tác vừa có thể mang lại lợi ích thương mại, vừa phục vụ mục tiêu chiến lược ngoại giao. Tăng cường đàm phán nhằm xóa bỏ những rào cản đối với các mặt hàng có lợi thế so sánh với các đối tác mà Việt Nam đang nhập siêu. Phát triển thị trường nhập khẩu để tăng tính cạnh tranh giữa các nước đang xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, nhất là đối với những mặt hàng đang nhập siêu lớn.

Hoàn thiện các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống bán trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Tăng cường phổ biến thông tin về các biện pháp này để các nhà sản xuất trong nước nắm rõ luật lệ nhằm tạo ra áp lực cần thiết với các nhà nhập khẩu và các nước đang gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam.

Bốn là, phát triển mạnh thương mại điện tử tạo một bước chuyển biến về phương thức kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại trong nước. Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử liên quan tới việc thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, các quy định kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử là một ngành, nghề kinh doanh có mã đăng ký riêng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và khuyến khích người tiêu dùng mua bán trực tuyến.

Phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử. Tăng cường cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng các cam kết quốc tế về thương mại không giấy tờ trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, xuất – nhập khẩu, đầu tư, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ công khác liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử trên cơ sở khuyến khích đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử.

Năm là, chú trọng nâng cao năng lực hỗ trợ, cung cấp dịch vụ hậu cần trong hoạt động thương mại. Phát triển đa dạng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gia tăng quy mô, mở rộng phạm vi thương mại và nâng cao hiệu quả kinh doanh, kể cả trên thị trường trong nước và thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa.

Củng cố và nâng cao vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin thị trường kể cả các thông tin tình báo kinh tế tầm chiến lược và chiến thuật, trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp thương mại…

Phát triển hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng mở rộng hỗ trợ, xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại đồng bộ theo chuỗi, đảm bảo nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại trong phát triển thị trường mục tiêu, thị trường trọng điểm và thị trường cho ngành hàng quan trọng trong nền kinh tế. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng, làng nghề và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2010). Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam 2010-2020, định hướng đến 2030

2. Bộ Công Thương (2010). Đề án Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030

3. Tổng cục Thống kê (1986-2015). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 1986 đến năm 2015

4. Tổng cục Thống kê (2016). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016