Cần đánh giá sâu hơn tính khả thi của các quy định

“Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn mới…”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, khi trình bày ý kiến thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Báo động số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, dự án Luật cần lưu ý về đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, ông Huy cho biết, dự án Luật cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; về sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh, nhưng công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, đa số các quy định trong dự án Luật có tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, để bảo đảm tính khả thi của một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng; đánh giá sâu hơn tính khả thi của các quy định...

Cần đề cập rõ hơn về lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, kinh tế, hoạt động thương mại ngày càng phát triển, nên các phương thức kinh doanh, thanh toán qua môi trường mạng ngày càng phổ biến và thuận tiện hơn cho cả nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn rủi ro nếu như thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng bị rò rỉ và được cung cấp tới bên thứ 3, nhưng lại bị lợi dụng vào mục đích khác. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, trong dự án Luật cần quy định kỹ lưỡng hơn về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

“Hiện hàng hóa của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ ở trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Vì vậy, trong dự án Luật cần nói rõ hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người nước ngoài...”, ông Thanh đề xuất.

Báo động số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật cần nêu rõ là người tiêu dùng phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa (ảnh: Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, dự án Luật cần nêu rõ là người tiêu dùng phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa như: quyền được đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ; các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm có đúng hay không. Mặt khác, trong dự án Luật, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho người tiêu dùng chưa được đề cập, nên cần được phân tích thấu đáo hơn.

Đối với giao dịch đặc thù, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong dự án Luật cần nêu rõ hơn về chính sách thực hiện giao dịch này. Trong quá trình chuyển đổi số, thì cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số...

“Dự án Luật cần có sự thống nhất, tương thích với các luật liên quan như: Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Giao dịch điện tử; pháp luật về Tố tụng hình sự, pháp luật về tiêu chuẩn hàng hóa, pháp luật về quảng cáo, quy định về cung ứng dịch vụ công, những luật liên quan đến các điều ước quốc tế...”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; rà soát các chính sách pháp luật, điều khoản theo hướng dự án Luật phải thống nhất, đồng bộ với các luật khác và phù hợp với hệ thống pháp luật, cũng như các điều ước và thông lệ quốc tế...

“Đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần xem xét lại việc hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới…”, ông Hải lưu ý./.