Báo động tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về
Nhiều nước dọa ngừng nhập khẩu thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có đến 582 lô hàng xuất khẩu thủy sản bị 38 nước trả về, trung bình mỗi công ty có năm lô hàng bị trả. Cá biệt có một công ty có đến 54 lô hàng bị trả về, một công ty khác số lô hàng bị trả về lên tới 70.
Còn số lô hàng bị cảnh báo thì cũng lên tới con số hàng trăm. Trong đó, từ phía thị trường Nhật Bản có 27 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng 6 lô so với năm 2014. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5-3,7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm). Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.
EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 doanh nghiệp nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt.
Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so với năm 2014. Úc cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỷ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.
Khó tìm được sản phẩm sạch
Tại Hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 29/10/2015, ông Hồ Quốc Lực, đại diện Công ty thủy sản Sao Ta cho rằng: “Chưa bao giờ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long lại tệ như bây giờ. Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải. Đặc biệt là con tôm, từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Họ dùng thuốc kháng sinh không kiểm soát khiến doanh nghiệp thu mua đều dính nguồn nguyên liệu bẩn”.
Trong khi đó, dẫn lời ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó giám đốc Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản vùng 5 tại hội nghị “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm của Việt Nam” được tổ chức vào ngày 06/05/2015 lý giải nguyên nhân số lô tôm bị cảnh báo, trả về nhiều, theo ông Vinh, do việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa được thực hiện liên tục, chặt chẽ nên dẫn đến xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm.
Ngoài ra, cũng theo ông Vinh, gần đây vẫn còn một số trường hợp người nuôi sử dụng thuốc thú y không tuân thủ nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng thời gian cách ly), cho nên tôm sau khi thu hoạch vẫn còn tồn dư thuốc thú y vượt mức cho phép.
Trong khi đó, trên thực tế, việc cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn quy định mới ở các nước nhập khẩu của một số cơ quan quản lý trong nước vẫn chưa kịp thời, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp bị trả về khi hàng đã được đưa đến nước nhập khẩu.
Gỡ thế nào?
Cũng tại Hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, để có thủy sản sạch thì chính doanh nghiệp phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi. Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của doanh nghiệp.
“Đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương, doanh nghiệp lập danh mục những doanh nghiệp bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài. Từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về”, Thứ trưởng Tám chỉ đạo. Bên cạnh vai trò của Nhà nước thì chính các doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn và đầu tư cả trong sản xuất, chế biến sản phẩm.
Cùng với quan điểm trên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho biết, rất cần chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn nguyên liệu chế biến cho chính mình. Thực tế, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kháng sinh để bảo quản.
Vấn đề kiểm soát môi trường là quan trọng, cần kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào. Trong đó, phải kiểm soát được hóa chất, kháng sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản, như vậy mới tránh được việc nhiễm những chất này đối với sản phẩm nuôi. Nếu không quản lý chặt 5 loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản thì doanh nghiệp rất khó tránh được các lô hàng vi phạm./.
Tài liệu tham khảo
http://phapluattp.vn/kinh-te/vi-sao-32000-tan-tom-ca-viet-bi-tra-ve-587888.html
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Xay-dung-thuong-hieu-thuy-san-sach-xuat-khau.aspx
http://www.thesaigontimes.vn/129948/4-thang-dau-nam-so-lo-tom-bi-canh-bao-tang-cao.html
Bình luận