Phản ứng trước quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO, một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó.

"Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam)", Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ Công Thương, điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao như đã trình bày trên.

"Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc", thông cáo từ Bộ Công Thương cho biết.

Dự kiến, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16 tháng 2 năm 2018. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.

Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ

Trước đó, trang Reuters đưa tin, ngày 05/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo áp dụng thuế nhập khẩu các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc sau khi phát hiện trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Reuters cho rằng, quyết định đánh dấu thắng lợi của các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ sau khi đã giành được thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc trong năm 2015 và 2016. Các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ lập luận rằng các sản phẩm của Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nước thứ ba để trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn và cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc từ thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.

Mặc dù sản phẩm được chế biến tại Việt Nam được sản xuất chống ăn mòn hoặc cán nguội để sử dụng trong ô tô hoặc thiết bị, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, có đến 90% giá trị sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang phải đối mặt với dư thừa năng lực sản xuất, phần lớn nằm ở Trung Quốc, khiến giá thép giảm xuống.

Diễn đàn G20 vừa qua đã không đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc đưa ra giải pháp giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thép chống ăn mòn Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ lần lượt là 199,43% và 39,05%.

Trong khi thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ 265,79% và 256,44%.

Như vậy, thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Hoa Kỳ lên tới 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với thuế 238% - mức thuế cao đủ để đẩy cả hai sản phẩm ra khỏi thị trường Hoa Kỳ. Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/02/2018. Các công ty nhập khẩu thép từ Việt Nam có thể xin miễn trừ thuế nếu chứng minh được nguyên vật liệu sản xuất những sản phẩm đó không có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mức thuế này sẽ áp dụng cho tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ vào hoặc sau ngày 04/11/2016, kể từ ngày bắt đầu có các kiến nghị về gian lận.

Có thể nói, đây là một trong những động thái thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ hàng hóa và thị trường Hoa Kỳ, trong đó phần lớn nhắm đến hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Riêng với sản phẩm thép, đây cũng được coi là một bước leo thang trong những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn tình trạng thép Trung Quốc tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.

Trước đó, tháng 09/2016, các nhà sản xuất Hoa Kỳ ArcelorMittal USA, Nucor Corp, AK Steel Holdings Corp và Steel Corp Hoa Kỳ cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu chuyển các lô hàng thép của họ tới Việt Nam "ngay lập tức" sau khi bị áp thuế.

Lượng thép Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt kể từ khi nước này áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm thép Trung Quốc lên tới 266% vào 2 năm trước. Cụ thể, lượng thép không rỉ nhập từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng vọt từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD ngay sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Trung Quốc vào năm 2015. Tương tự, lượng thép cuộn nguội xuất khẩu từ Việt Nam vào hoa Kỳ cũng tăng từ 9 triệu USD lên tới 215 triệu USD, thông cáo trên cho biết.

Không chỉ có Hoa Kỳ, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng cho biết, họ đã phát hiện ra thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam và gắn mác "Made in Vietnam" để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối.

OLAF cho biết, thép tráng hữu cơ do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU. Với chiêu trò này, doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu Euro (9,6 triệu USD) từ EU.

OLAF cho biết, lượng thép có liên quan tới vụ việc khá nhỏ và tình trạng này cũng đã chấm dứt từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người tham gia giao dịch trên thị trường, Việt Nam, mặc dù không gian lận, nhưng vẫn là 'trung tâm' để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các mánh khóe thương mại về thép.

Sau khi phát hiện vụ việc, OLAF đã gửi các văn bản khuyến nghị tài chính tới cơ quan hải quan của các nước trong khu vực EU, gồm Bỉ, Hy Lạp, Slovenia, Italy, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, Romania và Thụy Sĩ, nhằm thu hồi khoản thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trên đối với thép Trung Quốc.

Phản hồi về thông tin OLAF phát hiện thép Trung Quốc phù phép thành thép "Made in Vietnam" để trốn 9,6 triệu USD tiền thuế, cuối tháng 11/2017, Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép hợp kim cán phẳng (mã HS 7225 3090, 7225 4090), thép mạ hoặc tráng kẽm (HS 7210 4912), thép không gỉ cán phẳng (7219 1300), thép cuộn (HS 7209 1600) và thép dạng thanh, que (HS 7227 2000).

9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 378.164 tấn thép, trị giá 302,9 triệu USD. Nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Số liệu thống kê của hải quan cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu

Bộ Công Thương cũng cho rằng, đến nay, chưa nhận được thông tin nào từ phía Hoa Kỳ về việc Hoa Kỳ sẽ tiến hành điều tra mặt hàng thép có nguồn gốc từ Trung Quốc gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ./.

Tham khảo từ:

https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-steel/u-s-slaps-duties-on-vietnamese-steel-originating-from-china-idUSKBN1DZ385

http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thong-tin-ve-viec-thep-viet-nam-van-chuyen-sang-hoa-ky-%C4%91uoc-san-xuat-tai-trung-quoc--9610-22.html

http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thong-in-bao-chi-9845-401.html