Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện yêu cầu của Đoàn giám sát với trách nhiệm cao, cầu thị
Tiết kiệm kinh phí chi quản lý hành chính 364.592 tỷ đồng
Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng nay (ngày 12/8), theo Văn phòng Quốc hội.
Báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã chủ trì, tham mưu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành 9 Luật, 7 Nghị quyết; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Pháp lệnh, 2 Nghị định; tham mưu, trình Chính phủ ban hành 38 Nghị định, 14 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Chỉ thị và 45 Quyết định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nợ quy hoạch của địa phương nào (ảnh: Quốc hội) |
Bộ cũng ban hành theo thẩm quyền 69 Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, đồng thời, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và giai đoạn, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2021, các đơn vị dự toán thuộc Bộ đã tiết kiệm kinh phí chi quản lý hành chính được 364.592 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.826 tỷ đồng số tiền chi không đúng quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả theo dõi, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, hàng năm trong giai đoạn 2016-2021. Trong đó, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm 2021 có 1.921 dự án chậm tiến độ. Về số dự án thất thoát, lãng phí: năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 342 dự án…
Giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ thực hiện yêu cầu của Đoàn giám sát với trách nhiệm cao, nghiêm túc, cầu thị, không né tránh.
“Việc lập quy hoạch tỉnh thuộc trách nhiệm của địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tham gia phê duyệt, nhưng đến thời điểm này Bộ chưa nợ quy hoạch của địa phương nào. Nguyên nhân khiến tình trạng chậm lập quy hoạch tỉnh ở các địa phương một phần do năng lực, số lượng lớn, lực lượng tư vấn kém, kinh nghiệm còn ít…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về đấu thầu dự án đầu tư, Bộ trưởng khẳng định, đấu thầu là công khai, minh bạch, nhất là khi tiến hành đấu thầu qua mạng. Đấu thầu là đòi hỏi của thực tiễn, là chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhưng trong quá trình thực hiện còn vướng mắc về luật pháp, các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan, có một số cơ quan, chính quyền địa phương không muốn đấu thầu, mà đề nghị chỉ định thầu cho nhanh và có thể lồng lợi ích nhóm.
Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, không né tránh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đây là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt, xương sống của nền kinh tế. Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị và không né tránh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chuẩn bị các báo cáo công phu, hệ thống phụ lục, bảng biểu tương đối đầy đủ, bám sát mục đích, yêu cầu của nội dung, phạm vi, đối tượng, các văn bản của Đoàn giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp nhiều thông tin, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Bộ (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo ông Phương, Đoàn giám sát chia sẻ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật mặc dù từng bước hoàn thiện nhưng quá trình phát triển xuất hiện bất cập; việc triển khai chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số nội dung khó lượng hóa.
“Trong Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ hơn ưu điểm nổi bật như triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, tháo gỡ vướng mắc để giảm vốn đầu tư của ngân sách nhà nước... Đối với khuyết điểm, tồn tại, cần nêu dẫn chứng, đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan và chỉ ra trách nhiệm của các cấp, các ngành…”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận