Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 869/QĐ-BKHĐT, ngày 18/06/2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP, ngày 15/05/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháo chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo đó, mục tiêu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng tới là quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 19-2018. Theo đó, đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines). Cụ thể là: Kiên định các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 19-2016/NQ-Cp và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời, phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.

Năm 2018, cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ cho doanh nghiệp

Bộ cũng đặt ra mục tiêu là tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu, như sau:

Một là, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp.

Hai là, soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Ba là, soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công nhằm khắc phục bất hợp lý, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn và khác nhau trong các nội dung có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Bốn là, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Danh mục ngành nghề loại bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục IV, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Năm là, chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao đăng tải thông tin về vụ việc phá sản, danh sách chủ nợ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sáu là, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa một số chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo vào thống kê quốc gia, thực hiện thống kê theo định kỳ.

Bảy là, theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh.

Tám là, theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Chín là, tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết hàng quý, hàng năm.

Mười là, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4./.