Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tư duy phải đổi mới hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới
Chiều ngày 18/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hội nghị nhằm đánh giá công tác nửa đầu năm 2022 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề lớn đặt ra cho 6 tháng cuối năm trước những biến động khó lường, phức tạp trên thế giới cũng như trong nước.
Thành quả của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của ngành
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đoàn, Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quán triệt chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ, khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được giao, với phương châm hành động “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
“Là cơ quan tham mưu tổng hợp, dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế”, ông Đoàn chỉ rõ.
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở theo dõi tình hình triển khai của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ đã xây dựng Báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các cuộc họp của Thường trực Chính phủ; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đề xuất Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2022.
Về triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Thực hiện các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 3 và tháng 4 năm 2022 của Chính phủ, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 và phương án, cắt giảm, điều chuyển số vốn còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong quá trình triển khai, Bộ đã làm tốt công tác báo cáo và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác về kết quả rà soát và kiến nghị cụ thể đối với nhóm dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước của nhà tài trợ nước ngoài.
Bộ đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc chuyển đổi vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022; xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ thưởng phạt đối với các chủ thể có liên quan tới đầu tư xây dựng dự án.
Bộ cũng đã thực hiện các nhiệm vụ để góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; theo dõi, cập nhật tình hình, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh các biện pháp, chính sách trong nước phù hợp với những thay đổi nhanh và đột ngột ở thị trường thế giới; đánh giá khả năng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế các địa phương và vùng lãnh thổ; Quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài; Triển khai công tác quản lý quy hoạch; Công tác thống kê; Công tác quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia;…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực và đạt được mục phát triển kinh tế - xã hội.
"Những kết quả đạt được của nền kinh tế 6 tháng đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề
Tại Hội nghị, về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch cũng như các nội dung sẽ trình tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV và khẩn trương hoàn thành 47 đề án, báo cáo được giao 6 tháng cuối năm 2022.
Đặc biệt, 6 tháng cuối năm cần tập trung vào các đề án, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế: Các đơn vị cần rà soát các nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng thể chế, pháp luật; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan/đơn vị liên quan triển khai công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn.
Trong đó, về xây dựng luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư đối với 2 dự án Luật, bao gồm: Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bảo đảm trình Chính phủ xem xét trước ngày 10/8/2022.
Thứ hai, về công tác quy hoạch: Cụ thể về Quy hoạch tổng thể quốc gia 6 tháng cuối năm cần chủ động bám sát và kịp thời tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện các bước tiếp theo ngay sau khi Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”.
Về triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tập trung phối hợp với các địa phương còn lại để hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch tỉnh trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Thứ ba, về các đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và mô hình kinh tế mới: Cần triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ tư, về công tác đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Kinh tế đối ngoại phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung đến đoàn công tác nước ngoài của lãnh đạo Bộ tham gia đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các đoàn công tác nước ngoài của Bộ trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó có các đoàn: Tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp của Đoàn Chủ tịch nước đi Hàn Quốc dự kiến vào tháng 10/2022; Tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp của Đoàn Chủ tịch Quốc hội đi Úc, New Zealand dự kiến vào tháng 10/2022; Chương trình Xúc tiến đầu tư Quốc gia năm 2022 đi Cộng hòa Liên bang Đức, Quần đảo Cayman; Hội nghị Bộ trưởng kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lần thứ 16; Trao đổi về định hướng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong các lĩnh vực ưu tiên…
Thứ năm, về công tác tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ sáu, về triển khai nhiệm vụ đầu tư công 6 tháng cuối năm: Phối hợp, đôn đốc các cơ quan khẩn trương xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại chưa phân bổ để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 01/8/2022.
Đôn đốc 17 địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch vốn khẩn trương tổ chức thực hiện từng nội dung, hoạt động thuộc từng Chương trình Mục tiêu Quốc gia và báo cáo kết quả giải ngân vốn từng Chương trình Mục tiêu Quốc gia và đôn đốc các địa phương còn lại khẩn trương thực hiện phân bổ vốn theo quy định. Yêu cầu các bộ, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ dự án phát triển hạ tầng, Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về xây dựng kế hoạch đầu tư công 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 và trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định.
Các đơn vị phải nhanh hơn, nỗ lực hơn, tư duy mới hơn
Trong 6 tháng cuối năm, để hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ trên, Bộ trưởng lưu ý cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch, đầu tư và thống kê phải bám sát với tình hình, theo dõi chặt chẽ, có những dự báo phân tích, có những tham mưu, đề xuất chính xác để "kịp thời giúp cho Chính phủ điều hành linh hoạt chủ động, có thể vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu của cả năm cũng như là lấy lại được đà tăng trưởng trước đây để tiếp tục dẫn dắt cho năm 2023 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bối cảnh cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi các đơn vị phải nhanh hơn, nỗ lực hơn, tư duy mới hơn trong tiếp cận các vấn đề hệ trọng của đất nước thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu.
“Khối lượng công việc từ giờ đến cuối năm rất lớn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 chưa làm được bao nhiêu, dù các đơn vị hết sức cố gắng, lãnh đạo Bộ quyết liệt”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, về công tác quy hoạch, qua giám sát của Quốc hội vừa qua, dù Bộ đã làm quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm nay là hết sức quan trọng, bởi đây là cơ sở để dẫn dắt nền kinh tế, sự phát triển đất nước, là cơ sở triển khai nhiệm vụ, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.
Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng nhắc lại quan điểm không được bảo thủ, không được hài lòng với những gì đã có. “Nếu chỉ 1 lần thì là cá biệt, nhưng lặp đi lặp lại 2, 3 lần trở lên thì là vấn đề. Nếu hiểu là có vấn đề thì phải nghiêm túc xem lại hệ thống pháp luật, chính sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện tại, dù đang đối mặt với thách thức, nhưng yêu cầu phục hồi nhanh hơn, phát triển nhanh hơn, tận dụng các cơ hội đang được đặt ra, đòi hỏi trách nhiệm của công chức ngành kế hoạch và đầu tư.
"Chúng ta không chỉ cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, mà cần tư duy phải đổi mới hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế", Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng lưu ý cán bộ, công chức, viên chức của ngành cần nêu cao tinh thần tiên phong trong cải cách, tiếp tục giữ ngọn lửa cải cách, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội./.
Bình luận