Bức tranh tài khóa của Việt Nam: Dưới góc nhìn của World Bank
Quản lý tỷ giá linh hoạt
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam chỉ rõ, Việt Nam vẫn áp dụng hệ thống tỷ giá cố định biên độ (crawling peg) trong đó quản lý tỷ giá giao dịch là khâu chính trong chính sách điều hành tỷ giá.
Áp lực tỷ giá bắt đầu tích tụ kể từ đầu năm 2015 do cả hai yếu tố thâm hụt thương mại của Việt Nam gia tăng và các đồng tiền châu Á đều bị suy yếu.
Sức ép này trở nên trầm trọng hơn khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá hồi tháng 8/2015.
Cân nhắc việc tăng lãi suất và mức dự trữ ngoại tệ có hạn (tương đương gần 3 tháng nhập khẩu), Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng trước áp lực này bằng cách giảm giá trị tiền Đồng ba lần vào các tháng 1, 5 và 8/2015 với tổng cộng 3%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nới biên giao dịch ngoại tệ từ +/-1% lên +/-3%.
“Như vậy, tính chung trong năm 2015 đồng tiền Đồng đã mất khoảng 5% giá danh nghĩa, và gần 3% giá thực tế so với đồng USD”, ông Deepak Mishra tính toán.
Ngân hàng Nhà nước còn hạ lãi gửi tiết kiệm bằng USD và siết chặt quản lý các giao dịch bằng ngoại tệ giữa các tổ chức tài chính nhằm tránh đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.
Biện pháp này, theo nhận định của World Bank, đã phần nào đã ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn mức 4,9% GDP
Trong 9 tháng đầu năm 2015, theo cách tính của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách ước khoảng 4,9% GDP và được bù đắp chủ yếu bởi các khoản vay trong nước.
Cần lưu ý rằng con số này không bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngân sách.
“Như vậy, có nghĩa là tổng thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn”, trong báo cáo, World Bank nêu rõ.
Giá dầu giảm và cắt giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2015. Thu nhập từ bán dầu giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) và thuế xuất nhập khẩu giảm lần lượt 19% và 2% do giảm thuế suất. Trong các sắc thuế chính, thuế giá trị gia tăng (VAT), chiếm 1/3 tổng doanh thu thuế, đã tăng 15% so với cùng kì năm ngoái nhờ tiêu dùng cá nhân tăng và doanh thu thuế thu nhập cá nhân tăng 18% do nở rộng diện chịu thuế.
Bộ Tài chính ước tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, chi ngân sách tăng nhanh hơn thu chủ yếu do tăng chi thường xuyên (chiếm tới 70,5% tổng chi ngân sách).
Trong 9 tháng đầu năm tổng chi ngân sách tăng 7,8% so với cùng kì năm ngoái, trong đó chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) tăng lần lượt 5,6% và 7,6%.
Chi trả nợ (cả gốc và lãi) từ ngân sách nhà nước tăng 12,6% do nghĩa vụ nợ công tăng. Trong khi đó tỷ trọng chi đầu tư (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) trong tổng chi ngân sách giảm xuống còn 15,6% so với 26,5% trong giai đoạn 2011-2014.
Theo nghị quyết của Quốc hội thông qua năm ngoái về hạn chế phát hành trái phiếu dưới 5 năm, thì Bộ Tài chính đang gặp khó khăn trong phát
hành trái phiếu kho bạc.
Trong 9 tháng đầu năm Kho bạc Nhà nước chỉ phát hành được tổng cộng 127 nghìn tỷ đồng (khoảng 51% kế hoạch năm), giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi trong ngắn hạn, Bộ Tài chính đã phải vay Ngân hàng Nhà nước 30 nghìn tỷ đồng.
Theo World Bank, tình trạng mất cân đối tài khoá đã tích tụ từ nhiều năm trước cần được giải quyết, thì mới có thể đảm bảo bền vững tài chính công. Vì vậy, Chính phủ đang tìm cách tăng cường kỉ luật tài khoá, tăng cường quản lý thuế và mở rộng diện thu thuế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cố gắng kiểm soát chi thường xuyên và thắt chặt kiểm soát các khoản đầu tư công mới. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi sẽ góp phần tăng cường quản lý tài khoá.
Quan ngại về tính bền vững tài khóa và nợ công
Nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh trong vài năm gần đây. Tuy tình hình tài khoá của Việt Nam bị biến động theo chu kỳ, nhưng mức độ thâm hụt lớn đã gây quan ngại về bền vững tài khoá trung hạn và nợ công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nợ công của Việt Nam (nợ Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) đã tăng mạnh từ mức 51,7% năm 2010 lên khoảng 61,3% GDP năm 2015.
Trong số này nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 48,9% GDP, nợ do Chính phủ trung ương bảo lãnh chiếm 11,4% GDP và nợ của chính quyền các tỉnh chiếm trên dưới 1% GDP.
Tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần cho phép 65% GDP.
Hiện nay, các nhà tài trợ đang dần dần rút khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài cũng giảm theo, vì vậy Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng.
Dựa nhiều hơn vào các nguồn vay trong nước sẽ giảm bớt rủi ro tỷ giá, nhưng lãi suất vay lại bị tăng và thời hạn vay các khoản nợ công bị rút ngắn.
Tỷ trọng nợ trong nước so với tổng nợ công đã tăng từ 45% năm 2010 lên 53% năm 2014. Nguồn vốn dài hạn khá hạn chế, thể hiện thực tế rằng thị trường vốn nội địa chưa phát triển và có ít người tham gia, chủ yếu là các ngân hàng. Vì vậy, đảm bảo trả nợ sẽ là một gánh nặng đối với ngân sách. Điều đáng lo ngại là tỷ trọng chi trả lãi trong GDP và chi của Chính phủ đã tăng mạnh.
Trong năm 2014, Chính phủ đã chi khoảng 8% tổng thu (kể cả thu viện trợ) vào việc trả lãi (năm 2010 là 4,3%) và vì vậy đã ảnh hưởng tới các khoản chi phát triển sản xuất và đầu tư.
Tổng nghĩa vụ trả nợ, kể cả trả nợ gốc, đã chiếm trên ¼ tổng thu của Chính phủ trong năm 2014, làm cho các rủi ro về tái cấp vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, World Bank nhận định rằng, môi trường bên ngoài nói chung là thuận lợi đối với Việt Nam, nhưng những rủi ro mới nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục quản lý vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra.
“Thắt chặt tài khoá, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp khắc phục các yếu kém”, thay mặt World Bank, ông Deepak Mishra khuyến nghị./.
Bình luận