Theo báo cáo của văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong năm 2016, khu vực miền núi phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra đã chịu ảnh hưởng và bị thiệt hại của 24 đợt rét đậm, rét hại (đặc biệt là đợt rét hại, băng giá lịch sử tháng 01/2016), 04 trận bão và mưa lũ (bão số 1, 2, 3, 4), dông lốc, mưa đá. Thiên tai khu vực 18 tỉnh đã làm 109 người chết và mất tích; 937 nhà bị đổ, sập, trôi, 44.222 nhà bị ngập, hư hại; trên 134.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 37.180 con gia súc và 127.534 con gia cầm bị chết; 56.128m kênh mương, trên 1 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 5.800 tỷ đồng.

Nguyên nhân của rủi ro trong thiên tai, ông Văn Phú Chính, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đại bộ phận dân cư miền núi là dân tộc thiểu số (63%), tỷ lệ hộ ngheo còn cao (29%). Sinh kế của người dân miền núi chủ yếu dựa vào làm nương (phá rừng làm nương), sống du canh, du cư, khai thác vàng, khoáng sản, hái măng ven sông, suối. Do vậy, việc tiếp cận thông tin về thiên tai, mưa lũ gặp nhiều khó khăn; một số khu vực người dân hầu như không nhận được thông tin về mưa lũ.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, công tác di dời dân sống ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất tại các khu vực vùng núi cao; địa điểm di dời đến cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn; tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển; Kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng so với nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả không cao. Ngoài ra, việc quy hoạch, bố trí dân cư chưa quan tâm đến lồng ghép và tính đến các rủi ro thiên tai. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, tránh lũ quét tại nhiều tỉnh miền núi chưa hiệu quả...

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn khu vực miền núi đặc biệt là miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai mới chỉ tiến bộ về mặt định tính, về mặt dự báo định lượng vẫn còn hạn chế. Các bản tin dự báo vừa và dài hạn còn hạn chế, chưa phổ biến rộng rãi.

Để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm 2017, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc do chủ quan, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương đẩy mạnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai cấp tỉnh, cấp huyện và xã (đặc biệt là cấp xã ) phải được xây dựng chi tiết, cụ thể. Phải chỉ ra được từng hộ, điểm dân cư có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất... để có phương án ứng phó với một số kịch bản thiên tai thường xảy ra.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn một cách cụ thể, chi tiết đến từng xã, thôn, bản và từng hộ dân. Có phân công trách nhiệm cụ thể đến Bí thư chi bộ, thôn trưởng, Bí thư, Chủ tịch xã về việc đảm bảo an toàn cho nhân dân, tài sản .. Đặc biệt chú ý phương án truyền tin, cảnh báo thiên tai bảo đảm mọi người dân đều nhận được thông tin thiên tai, phương án sơ tán dân (hướng sơ tán, nơi sơ tán,...), phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm,... đối với các khu vực có khả năng bị chia cắt và bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho biết, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai tại các tỉnh miền núi nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng là thách thức đã nhiều năm chưa giải quyết triệt để, cũng như đạt được các kết quả như mong đợi. Vì vậy để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc do chủ quan, phải kiên trì thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. “Những vùng có nguy cơ thiên tai cao phải nỗ lực di dời và bố trí lại dân cư. Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo để người dân ở những vùng này chủ động phòng tránh. Đồng thời, nâng cao kỹ năng của người dân miền núi phía Bắc về thiên tai để tự chủ động ứng phó, việc quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như rừng và hệ sinh thái ở những khu vực này” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh thêm./.