Các chuyên gia góp ý gì cho Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030
Trên cơ sở đó, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
Ngày 9/1/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường
Tại Dự thảo Quy hoạch, trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2021-2030, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 – 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 – 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%-70%...
Về tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến châu Á. GRDP bình quân từ 45.000-46.000 USD/người, tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%.
Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Trong đó, ở kịch bản 1 – kịch bản thuận lợi, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ đạt 9,5-10,0%; kịch bản 2 – kịch bản nỗ lực tăng trưởng đạt 8,5-9,5%; kịch bản 3 – kịch bản cơ sở GRDP Hà Nội sẽ đạt 7,5-8,5%. Kịch bản 2 là kịch bản được chọn.
Mục tiêu tăng trưởng 8,5-9,5% là rất thách thức
TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề, trong tiến trình đạt mục tiêu Đại hội Đảng XIII là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, thì Hà Nội sẽ thế nào? Có vai trò gì trong tiến trình nào?
Hai là, vị chuyên gia này đặt vấn đề tập trung đánh giá cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã hợp lý chưa?
“Chưa chắc đã hợp lý, vì nếu hợp lý thì không thể tăng trưởng và đóng góp giảm dần được. 23%-24% là công nghiệp, dịch vụ cao hơn là không hợp lý. Công nghiệp quá thấp nên không thể thúc đẩy tăng trưởng lên cao, vì dịch vụ đến lúc tới hạn, mà Hà Nội có nhiều dịch vụ hơn nên không tăng cao được, Do đó, cơ cấu kinh tế Hà Nội không hợp lý, thì phải làm rõ là ở đâu? Ở Quy hoạch vẫn cho công nghiệp tiếp tục giảm là cần xem lại”, vị chuyên gia này lưu ý.
Ba là, thông thường, theo TS. Cao Viết Sinh, Đại hội Đảng nêu tăng trưởng bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Song nhìn vào chuyển đổi số của Hà Nội thì không thay đổi nhiều lắm”, TS. Sinh lưu ý và nhấn mạnh, nếu muốn tăng trưởng nhanh. thì chắc chắn phải xem lại khâu này. “Nếu chuyển đổi số không tăng lên cao được, thì sẽ khó có tăng trưởng cao”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Về các điểm nghẽn, vị chuyên gia này lưu ý rằng, các điểm nghẽn trong báo cáo nêu ra đúng với các địa phương, song lại không đúng với Hà Nội và ông nhấn mạnh một điểm nghẽn rất lớn trong hạ tầng của Hà Nội đó là giao thông ngầm chưa phát triển.
Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ, hiện cơ hội rất lớn để phát triển hệ thống giao thông ngầm khi lãi suất USD là 0%, tiền lãi suất cũng đã giảm, vì thế nên tính đến khâu này xem đột phá được không?
Đi sâu vào điểm nghẽn thể chế, ông Sinh lưu ý vấn đề mô hình quản trị đô thị của Hà Nội thế nào, vướng ở đâu để gỡ ra? “Với Hà Nội cần đi vào chi tiết hơn để phù hợp đặc thù của Thủ đô”, ông góp ý.
Về quan điểm phát triển, vị chuyên gia thẳng thắn là chưa thấy có điểm nhấn. Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ, đến năm 2030, Hà Nội phải là địa phương đứng đầu, hiện đại văn minh sinh thái, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới, do đó, cần đặt mục tiêu ngược lại la là từ nay đến 2030 phải làm được những gì để cụ thể hóa mục tiêu?
TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều góp ý xác đáng cho Dự thảo Quy hoạch Hà Nội. Ảnh: Đức Trung |
Góp ý về kịch bản phát triển, mặc dù đồng tình, nhưng vị chuyên gia này cũng thể hiện sự lo lắng. Cụ thể, đồng tình với việc Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng ở mức 8,5%– 9,5% vì Hà Nội đi ngang với vùng trọng điểm, đặc biệt là đặt ra cho mình là cực tăng trưởng, song theo TS. Cao Viết Sinh, mức tăng trưởng này là rất thách thức.
“Vì trong 5 năm qua thì 3 năm gần nhất tăng trưởng 6,25% (2021-2023). Trong báo cáo của Hội đồng nhân dân thì năm 2024 là 6,57%, năm sau là 8%, thì đạt khoảng 7% trong 5 năm. Như vậy, thì 5 năm sau phải từ 10% trở lên để đạt mục tiêu 8,5%. Vậy phải tính toán động lực nào để tăng trưởng? Nếu không cẩn thận thì đặt mục tiêu cho đẹp mà thôi”, ông Sinh lý giải và cho biết sự quan ngại.
Về nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm với 27 nội dung, ông Sinh lo ngại vì 27 nội dung sẽ rất phân tán và đề xuất cơ quan tư vấn chọn lại nội dung cho gọn để tránh phân tán nguồn lực. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm phải gắn với điểm nghẽn.
Về giải pháp, theo ông Sinh cũng cần làm rõ thêm việc huy động nguồn lực. Xác định rõ giải pháp nào là đột phá?
Quy hoạch phải thể hiện vai trò của Hà Nội là đô thị đặc biệt và là Thủ đô
TS, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô là quy hoạch rất đặc biệt. “Tính từ năm 1954 đến nay, thì đây là Quy hoạch mang tính đột phá sau 7 lần làm quy hoạch. Đây không chỉ đột phá theo định hướng Luật Quy hoạch (có tích hợp)”, ông Nghiêm cho biết.
Ông Nghiêm cho rằng, Quy hoạch phải thể hiện vai trò của Hà Nội là đô thị đặc biệt và là Thủ đô, song dự thảo lại chưa rõ. “Việt Nam đã có 4 lần thay đổi thể chế về đô thị đặc biệt, gần nhất là năm 2016. Với 72 tiêu chí đặc biệt, thì có những đặc thù riêng cho Hà Nội, do đó quy hoạch phải thể hiện được sự đặc thù mà Quốc hội đã nêu, ở đây đã nêu song rất chung chung, cần cụ thể để Hà Nội thực sự là mang tính đặc thù”, vị chuyên gia này lưu ý.
Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á thì góp ý làm thế nào để Hà Nội tăng trưởng công nghiệp mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng, Hà Nội có không gian, con người để phát triển công nghiệp, nhưng chưa được tận dụng, nếu tận dụng được sẽ giúp phát triển.
Ông cũng đề xuất, Hà Nội tập trung vào một số ngành, llĩnh vực trọng điểm, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh với địa phương khác, đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng lưu ý, công nghệ chính là mũi nhọn để giúp công nghiệp của Hà Nội phát triển hơn. Ông khuyến nghị Hà Nội nên tham khảo kinh nghiệm của các thành phố khác để phát triển hiện đại, mà vẫn giữ nét đặc sắc…
Chuyên gia Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì góp ý về vấn đề hạ tầng và cụ thể là giao thông đô thị Hà Nội. Ông thẳng thắn rằng, nếu hạ tầng Hà Nội vẫn như thế này, thì khó mà tính đến chuyện khác, nên bắt buộc phải làm trước tiên. Ông đề nghị nên có chương trình đột phá, tức là phải thực hiện khâu đột phá chiến lược thiết lập và vận hành mạng lưới giao thông đô thị của Thủ đô vượt qua thách thức. Chỉ tiêu đạt được là làm nào để chỉ số sử dụng giao thông công cộng của Hà Nội đạt được 50%, hiện vào 28%.
Phát biểu kết luận hội thảo, để sớm hoàn thiện quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan, tiếp thu, giải trình các ý kiến liên quan của các nhà khoa học, bộ ngành. Theo đó, việc lập Quy hoạch cần đánh giá cụ thể nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển.
Cùng với đó, cần xác định rõ hơn vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội với sự phát triển của vùng, với yêu cầu là phải có tư duy mới, tầm nhìn chiến lược hơn để tạo ra động lực mới, giá trị mới cho Hà Nội, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, xu hướng thế giới và điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Ba là, cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành và Quy hoạch của các địa phương trong vùng đã được phê duyệt, để bảo đảm tinh kết nối đồng bộ, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; hạ tầng đồng bộ về giao thông hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chú trọng bảo vệ môi trường...
"Xác định các ngành và lĩnh vực quan trọng, tổ chức không gian phát triển phải bám sát Nghị quyết 15 của Bộ chính trị; làm rõ hơn việc Hà Nội tác động thế nào đến kinh tế cùa vùng và ngược lại trong tương lai...", Bộ trưởng yêu cầu./.
Bình luận