Ngày 10/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Worl bank tổ chức hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và mô hình phát triển theo không gian - Hàm ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng của các chuyên gia nước ngoài đối với bản quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các chuyên gia World Bank góp ý xây dựng Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, vì thế chưa có kinh nghiệm lập loại quy hoạch này. Vì thế, ông kỳ vọng Hội thảo trao đổi, cung cấp thêm kinh nghiệm về việc xây dựng quy hoạch này.

Những cân nhắc trọng yếu trong quy hoạch

Sau khi đã xác định những bất cập trước đây, theo TS. Danny Leipziger, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, một số nội dung trong Quy hoạch dường như lặp lại cách làm cũ mà không thấy sửa đổi thích đáng.

Cụ thể, cách tiếp cận chi phối là hình thành hành lang và đô thị thông minh, nhưng vậy nghĩa là phải cung cấp hạ tầng cho từng vùng trên cả nước, trong khi còn có mục tiêu “chọn ra những vùng kinh tế có tiềm năng nhất” về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Khuyến nghị ở đây có lẽ là thử một số cơ chế kết nghĩa với các trường đại học toàn cầu, các học viện kỹ thuật Đức và cân nhắc các chương trình khởi nghiệp được áp dụng tại Israel và Estonia để khuyến khích khu vực tư nhân”, ông đề xuất.

Quy hoạch muốn tạo ra một số trung tâm kinh tế vùng, được cho là định hướng tốt hơn cho dòng vốn FDI (mô hình Singapore), nhưng lại một lần nữa, “làm như vậy đòi hỏi vốn đầu tư bổ sung của tư nhân để tạo ra lợi ích tại địa phương và chưa chắc đã khả thi”, ông quan ngại.

Ông cũng lưu ý rằng, Quy hoạch ghi nhận lựa chọn các khu kinh tế duyên hải (CEZ) và khu kinh tế cửa khẩu (BEZ) nhưng liệu có khả thi? Liệu có thể xác định ra những tiêu chí khách quan để đánh giá về hiệu quả?

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề, ông đưa ra các câu hỏi: Có nên đặt địa điểm đặt theo hoặc gần với những hành lang chính? Các địa điểm chế tạo và chế biến hiện nay có nên di dời sang các đô thị vệ tinh hoặc ngoại ô, nằm ngoài đô thị lõi nhưng vẫn gần với dịch vụ logistics?

Liệu có nên gia tăng độ chính xác/cụ thể trong các câu như “đẩy mạnh đô thị hóa và cải thiện chất lượng đô thị” và “phát triển hệ thống đô thị đảm bảo cân đối, ổn định và bền vững”?

Liệu có sự nhất quán giữa “tập trung vào phát triển các đô thị vừa và nhỏ và hạn chế tập trung dân số ở một số đô thị lớn” với kế hoạch đưa thêm hoạt động kinh tế vào các đô thị lớn?

Cần những chính sách cụ thể gì để giúp hoàn thành mục tiêu “các đô thị vệ tinh [sẽ] được phát triển mạnh tại các vùng đô thị, như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”?

Ban hành chính sách để “phát triển các thành phố quy mô cấp IV”, liệu đó có phải là ý tưởng tốt?

Đến “năm 2050 không còn người nghèo ở nông thôn”, liệu có thực tế không?

Nếu toàn bộ các vùng và lãnh thổ phải được hưởng hạ tầng công cộng, vậy thì xác định ưu tiên thế nào và dùng những tiêu chí gì để hạn chế chi tiêu cho các mục đích không hiệu quả hoặc cho các vùng không thể phát triển?

Làm thế nào để quy hoạch đi trước? Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay là 37%, dự kiến sẽ tăng lên đến trên 50% vào năm 2040, nghĩa là các nhà quy hoạch cần cân nhắc người dân sẽ ở đâu vào cuối kỳ quy hoạch.

Các chuyên gia World Bank góp ý xây dựng Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Việt Nam
TS. Danny Leipziger (từ Hoa Kỳ) đưa khuyến nghị, không nên lặp lại những hạn chế trong quy hoạch phát triển không gian trước đó

Xu hướng đô thị hóa của Việt Nam có lẽ cũng giống như ở các quốc gia láng giềng có tăng trưởng dân số tập trung ở 5 thành phố hàng đầu đã hình thành tại các vùng duyên hải và dọc sông Mê-kông. Thực tế đó cần được cân nhắc trong bối cảnh một thực tế khác, nghĩa là ba phần tư dân số đô thị của Việt Nam hiện đang sinh sống tại các vùng duyên hải đất thấp, ngày càng có nguy cơ với mực nước biển dâng cao và các sự kiện thời tiết”, ông Danny Leipziger chia sẻ suy nghĩ.

Cách tiếp cận hành lang trước hết dựa trên giả định là đầu tư vào hạ tầng cơ bản nhằm đưa sản phẩm từ nội địa ra vùng duyên hải để xuất khẩu, đến nay vẫn vẫn hành tốt.

Cách tiếp cận này cần được cân chỉnh với những thay đổi khi nhu cầu trong nước về sản phẩm đang tiếp tục gia tăng (nhằm cân bằng lại với chiến lược tăng trưởng định hướng xuất khẩu thuần túy) và sự chuyển đổi từng bước từ chế tạo chế biến là chính sang dịch vụ ngày càng chi phối.

“Cách tiếp cận khôn ngoan có lẽ là cho phép di cư tới một số vùng đô thị đa trung tâm có tiềm năng tăng trưởng dài hạn lớn hơn; và tập trung đầu tư tại những địa bàn mà người dân sẽ sinh sống ngày mai chứ không phải ngày hôm nay”, ông nói.

Nhìn vào kỳ kế hoạch 20 năm tới, đó không phải là khung thời gian hợp lý để đầu tư cho nhiều loại hạ tầng, đa dạng hóa và rút lui một cách thận trọng khỏi các vùng ven biển có lẽ là điều hợp lý.

Tận dụng lợi thế quần tụ và hạn chế hư hại bao hàm hình thành các vùng cụm công nghiệp và cụm dịch vụ nhờ vào khoảng cách gần gũi (kết nối tốt) và thị trường lao động phát triển theo chiều sâu ở các vùng đại đô thị, nhưng đồng thời phát triển các đô thị vệ tinh và vùng ngoại vi đại đô thị (Hàn Quốc, Trung Quốc).

Ông cũng quan ngại rằng, Việt Nam đang đối mặt với những phương án đánh đổi trong quy hoạch, tùy thuộc vào việc nhìn vào giai đoạn quy hoạch 10 năm hay 20 năm; vì các xu hướng công nghiệp, đô thị hóa và khí hậu sẽ làm thay đổi thực trạng.

Chiến lược phát triển công nghiệp hiện nay nên theo hướng phân tán phần nào, có lẽ qua nhìn nhận một số vùng đô thị đa trung tâm có khả năng chống chịu có khả năng phát triển đến 2030 và 2040, với sự tham gia của các đô thị vệ tinh, được kết nối tốt bằng đường sắt cao tốc.

Các cụm hoạt động kinh tế mới có thể được hình thành, có thể được kết nối với nhau qua những hành lang chính, kết hợp với các khoản đầu tư bổ trợ và tập trung cao, hi vọng gắn với vốn đầu tư FDI phong cách mới và các ngành công nghiệp mới mang tính đổi mới sáng tạo.

“Đầu tư quá nhiều vào các đô thị nhỏ và tầm trung có lẽ là không nên, tương tự như không nên tiếp tục đầu tư quá nhiều vào quá nhiều các khu công nghiệp và chế xuất, quá nhiều các khu kinh tế duyên hải khi lợi ích đem lại không nhiều”, vị chuyên gia này lưu ý.

Ông cho rằng, việc rút lui một cách có trật tự khỏi một số vùng duyên hải có rủi ro cao có lẽ là điều nên cân nhắc.

Biến đổi khí hậu phải là yếu tố tính đến trong phát triển không gian

Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia châu Á, TS. Shahid Yusuf, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam. Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng/năng suất mong muốn, Việt Nam cần có 2-3 vùng đại đô thị hướng ngoại để làm động lực.

"Để hiện thực hóa hiệu ứng kinh tế do quy mô và quần tụ, Việt Nam có thể cần tập trung vào bốn thành phố cửa ngõ chiếm 2/3 GDP – Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng", ông nói.

Ông lưu ý rằng, công nghệ số có thể hỗ trợ, nhưng tập trung hình thành các thành phố “thông minh” không đem lại nhiều lợi ích.

Chỉ rõ việc tập trung vào chế tạo chế biến hầu như sẽ đem lại kết quả về xuất khẩu/tăng trưởng trong trung hạn, vị chuyên gia này cho rằng, phải bổ sung kịp thời bằng thương mại dịch vụ. Cơ sở công nghiệp có thể được phân tán ra ngoại ô của Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh lân cận. Cách tiếp cận đó nhằm tối đa hóa lợi ích của đầu tư trong nước và nước ngoài.

Việt Nam có 1.900 dặm bờ biển có nguy cơ với mực nước biển dâng cao và tần suất bão ngày càng nhiều, do nước biển ấm lên (Duyên hải đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long), ông cho rằng, việc tập trung đầu tư cho đô thị có thể nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương của các đô thị/hải cảng trọng yếu ven biển. Ví dụ TP. Hồ Chí Minh, từng bước di dân khỏi các vùng duyên hải đất thấp (LECZ), tăng cường khả năng chống chịu sinh thái ven biển.

Bên cạnh đó, ông khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao chất lượng/ổn định của hạ tầng đường sắt và đường bộ hiện hành và đầu tư cho duy tu bảo dưỡng có thể là ưu tiên cao hơn so với đầu tư hành lang giao thông mới.

Các chuyên gia World Bank góp ý xây dựng Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Việt Nam
TS. Shahid Yusuf, chuyên gia Ngân hàng Thế giới

“Phát triển hệ thống giao thông đa phương thức hiệu quả đáng được cân nhắc, xét đến biến đổi khí hậu và phân bố dân cư trong tương lai, và phân bố công nghiệp tại các khu trung tâm với số lượng ít hơn nhưng lớn hơn”, ông lưu ý.

Không nên lặp lại những hạn chế trong quy hoạch phát triển không gian

Nêu một số nhận định sơ bộ ban đầu về các phương án phát triển không gian của Việt Nam, TS. Danny Leipziger, chuyên gia Ngân hàng Thế giới chỉ rõ, việc đặt quy hoạch phát triển không gian và đầu tư hạ tầng làm trọng tâm của Chiến lược Phát triển 10 năm và tiếp theo của Việt Nam là hướng tư duy đúng đắn.

Ông Danny Leipziger cho biết, tất cả các nền kinh tế thành công ở Đông Á đều nhận định đầu tư cho hạ tầng là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển qua phối hợp với các chính sách bổ trợ khác. Ông cho rằng, phát triển các dịch vụ đem lại gia trị gia tăng cao (dựa trên khoa học, công nghệ và về y tế) tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời hạn chế dòng vốn đầu tư vào các ngành chế tạo chế biến thuần túy là mục tiêu dài hạn hợp lý.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian, đòi hỏi thu hút dòng vốn FDI phong cách mới, đòi hỏi đầu tư mới không chỉ về phần cứng.

Với định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực, ông Danny Leipziger chỉ rõ, hiện có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực, vì vậy đòi hỏi đầu tư mạnh về công nghệ số, vốn nhân lực và quản lý nhà nước; Phát triển kết nối đường sắt tốc độ cao và khả năng tiếp cận hiệu quả của đô thị đến các cửa ngõ sân bay và bến cảng.

Chỉ rõ những hạn chế trong quy hoạch, ông Danny Leipziger cho rằng, Một vấn đề được ghi nhận là thiếu sự phối hợp trong quy hoạch/kế hoạch phát triển của các địa phương.

Quy hoạch ghi nhận tình trạng đầu tư dàn trải manh mún ở quá nhiều địa phương, đầu tư chồng chéo, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và hiệu suất đầu tư còn thấp.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bản quy hoạch này tránh lặp lại một phần các vấn đề nêu trên? Theo định hướng này, TS. Danny Leipziger đưa khuyến nghị, không nên lặp lại những hạn chế trong quy hoạch phát triển không gian trước đó. Cụ thể, không đầu tư dàn trải vào sân bay và hải cảng. Vị chuyên gia này nhận định, sân bay thứ cấp phục vụ vận tải trong nước có lẽ ít lãng phí hơn so với 47 hải cảng, khi chỉ có một phần tư là cảng cấp 1.

“Các biện pháp trước đó dẫn đến mật độ đô thị thấp, thiếu hiệu ứng quần tụ đô thị, đặc biệt ở các vùng bị tụt hậu, bên cạnh những yếu kém trong kết nối thành thị - nông thôn. Điều đó không nhất thiết là xấu vì một số vùng có lẽ không có lợi thế cạnh tranh”, ông Danny Leipziger khuyến nghị, “Việt Nam nên tập trung vào các đô thị cấp hai trực thuộc vùng hoặc tỉnh chỉ hợp lý nếu đó sẽ là những vùng kinh tế đem lại của cải vật chất”.

Về việc có quá nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng du lịch phân tán có hiệu suất thấp cũng như có quá nhiều khu kinh tế duyên hải và khu kinh tế cửa khẩu, TS. Danny Leipziger khuyến nghị, cách xử lý là hợp lý hóa các khu công nghiệp và đặc khu hiện hành.

“Nếu có có khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thì nên cân nhắc về chương trình nhà ở tại những vùng có thể tạo việc làm, chuyển đổi một số khu công nghiệp thành dự án đầu tư đem lại của cải vật chất, nhưng không nên bỏ qua vấn đề này”, ông Danny Leipziger nói.

Vấn đề ô nhiễm giữa các địa phương chưa được đề cập nhiều và cần được nêu ra trong quy hoạch, vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Liệu có thể tăng cường thẩm quyền quản lý nhà nước của chính quyền trung ương để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển, thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu, và hạn chế đầu tư vào các vùng rủi ro?”.

Để giải quyết dự án chưa hoàn thành, TS. Danny Leipziger đặt vấn đề: Liệu có thể nâng yêu cầu huy động vốn của địa phương để hoàn thành các dự án, hoãn khởi công các dự án mới trong khi dự án cũ vẫn chưa hoàn thành?

Các chuyên gia World Bank góp ý xây dựng Quy hoạch tổng thể Quốc gia của Việt Nam
Tại hội thảo các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với các diễn giả của World Bank

Về việc chậm phát triển các đô thị vệ tinh và vành đai vùng, cụ thể tại hai vùng đại đô thị lớn nhất, gắn với mở rộng không gian và đô thị hóa, TS. Danny Leipziger cho rằng, có lẽ bên cạnh chú trọng đến các hành lang, bản quy hoạch có thể khuyến khích định vị một số ngành sản xuất mới bên ngoài các vùng đại đô thị và tìm ra những địa điểm mới có tiềm năng kết nối tốt cho các hoạt động kinh tế?

Vị chuyên gia này cũng lưu ý về những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến quy hoạch và mục tiêu. Ông cũng cho rằng, có nhiều áp lực trong nước đối với nền kinh tế Việt Namm trong thời gian tới.

Cụ thể là đô thị hóa tiếp tục diễn ra và sẽ tạo áp lực về hạ tầng đô thị: Câu hỏi đặt ra là chúng ta đầu tư ở những nơi hiện có người ở hay những nơi sẽ có người ở trong tương lai?

Già hóa là vấn đề đang nổi lên vì tốc độ tăng dân số giảm: cơ cấu dân số dễ tiên liệu nhất trong các ngành khoa học xã hội; không nên làm những gì Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm, bỏ qua cơ cấu dân số

Tái cơ cấu kinh tế được nêu là cần thiết để cải thiện năng suất của nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng liệu có làm được không?

Quy hoạch chưa đề cập đến vấn đề nhà ở: liệu có thể bỏ qua không? Cần làm gì về thị trường cho vay thế chấp nhà ở? Nhà ở sẽ là của nhà nước hay tư nhân?

Hình thành “các trung tâm đô thị có các dịch vụ y tế, giáo dục và tài chính chất lượng cao”, theo TS. Danny Leipziger, có lẽ đòi hỏi di dời các ngành chế tạo chế biến ra khỏi thành thị, chính vì vậy những đô thị vệ tinh với sự hỗ trợ bằng dịch vụ logistics mạnh, và những đô thị tầm trung sẽ trở nên quan trọng. Chính quyền trung ương sẽ làm gì để khuyến khích điều đó?

“Có lẽ nên nhìn vào mô hình thành phố Incheon hoặc câu chuyện về thành phố Penang”, ông Danny Leipziger gợi ý./.