Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 826 gian hàng tiêu chuẩn cho 498 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước

Theo Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương, năm 2023, theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) giao theo kế hoạch là 28,4 tỷ đồng, chiếm 36,1% kinh phí khuyến công toàn vùng; kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) giao theo kế hoạch là 50,3 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng kinh phí KCĐP kế hoạch năm 2023 và chiếm 63,9% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí toàn vùng đã thực hiện 9 tháng năm 2023 đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ.

Trong đó: Kinh phí KCQG thực hiện đạt 64,4% kế hoạch năm; kinh phí KCĐP thực hiện đạt 54,9% kế hoạch năm.

Các hoạt động khuyến công ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên được triển khai đa dạng
Năm 2023, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022

Các nội dung hoạt động khuyến công của vùng theo kế hoạch năm 2023 tập trung thực hiện: Hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 282 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 1 cơ sở CNNT; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 7 cơ sở CNNT; hỗ trợ cho khoảng 826 gian hàng tiêu chuẩn cho 498 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp cho khoảng 301 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu 17 cơ sở CNNT; hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho 4 cơ sở CNNT. Tổ chức đào tạo nghề cho 110 lao động; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 250 người; tổ chức được 7 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 300 đại biểu tham dự.

Theo báo cáo thực hiện 9 tháng năm 2023, hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ được 2 mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 129 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 3 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn; hỗ trợ được 312 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 151 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký xây dựng đăng ký thương hiệu cho 9 cơ sở CNNT; 3 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm; 30 học viên được đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; tổ chức được 3 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 120 đại biểu...

Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp 9 tháng năm 2023 đã tư vấn cho 80 dự án, với doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn có một số hạn chế như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế; chưa tập trung khai thác lợi thế so sánh của vùng, địa phương theo chuỗi giá trị, có trọng tâm, trọng điểm. Việc đăng ký kế hoạch chậm so với quy định.

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến suy giảm năng lực tài chính, sức cạnh tranh của các cơ sở CNNT và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các đề án. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công, do đó khó tạo ra xung lực cho phát triển CNNT.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công

Trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ, hiệu quả; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án; rà soát, đánh giá và có văn bản đề nghị điều chỉnh bổ sung kế hoạch kinh phí kịp thời.

Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2024, tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm.

Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Triển khai các nhiệm vụ khuyến công theo mục tiêu phát triển công nghiệp vùng được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các vùng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công; tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển CNNT. Tăng cường các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương./.