Các nền kinh tế mới nổi có thể quay lại mức tăng trưởng như trước đại dịch
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tham dự Hội nghị cùng các Thống đốc/Phó Thống đốc đại diện cho 22 nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Thanh toán quốc tế |
Báo cáo từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng cho rằng, bất chấp sự phục hồi không đồng đều và những bất ổn liên quan, kỳ vọng trong 10 năm tới cho thấy EMEs sẽ có thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch. |
Thông tin từ Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Hội nghị định kỳ lần này có chủ đề “Động lực và mô hình phát triển của các EMEs thời kỳ hậu COVID-19” do ông Luiz Awazu Pereira da Silva, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thanh toán Quốc tế chủ trì. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề: (i) nhân tố chính tác động đến sự tăng trưởng và các yếu tố rủi ro đối với EMEs trong thập kỷ tới; (ii) tác động của đại dịch đối với triển vọng phát triển; (iii) liệu có khả năng xảy ra kịch bản về suy thoái thương mại kéo dài không; và (iv) tăng trưởng thấp kéo dài có tác động gì đối với chính sách tiền tệ.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các nền kinh tế mới nổi luôn là động lực quan trọng của hoạt động kinh tế toàn cầu trong hai thập kỷ qua, đóng góp hơn 60% tăng trưởng toàn cầu. Trong những năm trước đại dịch, các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự tăng trưởng ở các nước EMEs là xu hướng trong thương mại toàn cầu, năng suất, chu kỳ trên thị trường hàng hóa và tác động lan tỏa từ tăng trưởng của Trung Quốc. Mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia, các mô hình tăng trưởng ở các nước EMEs nhìn chung đã cho thấy mức độ hội nhập thương mại và tài chính lớn hơn. Những cải thiện về mặt thể chế và nhân lực đã thúc đẩy tiến trình này.
Báo cáo từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng cho rằng, bất chấp sự phục hồi không đồng đều và những bất ổn liên quan, kỳ vọng trong 10 năm tới cho thấy EMEs sẽ có thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà bày tỏ sự nhất trí đối với Báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng thời chia sẻ, cập nhật tình hình tăng trưởng và việc điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam thời gian qua.
Phó Thống đốc cho biết, đối với Việt Nam, trong 1 thập kỷ qua, ngay trước Đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2019. Đây là kết quả của các chính sách cải cách kinh tế nhất quán, tạo lập và giữ vững môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đại dịch COVID-19 mặc dù ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn quý II/2020 và quý III/2021 nhưng với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng GDP trong năm 2020, 2021 vẫn đạt lần lượt 2,9% và 2,6. Trong năm 2021, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia được 3 tổ chức xếp hạng quốc tế (Moody’s, Fitch và S&P) đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực.
Trong giai đoạn tới, chuyển đổi số, thương mại quốc tế, kinh tế xanh được xác định là những động lực quan trọng trong tăng trưởng của Việt Nam. Với các lợi thế cạnh tranh dài hạn (như cơ cấu dân số vàng, trình độ nguồn nhân lực liên tục tăng, môi trường kinh doanh ổn định, năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng được nâng cao), dự kiến kinh tế sẽ phục hồi sau đại dịch, Việt Nam tiếp tục trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó duy trì tích cực triển vọng tăng trưởng dài hạn. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, hướng tới mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ được thành lập từ năm 1930. Đây là tổ chức quốc tế của các Ngân hàng Trung ương có vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các Ngân hàng Trung ương và các cơ quan khác để ổn định tài chính và tiền tệ. Đến nay, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có 63 thành viên chính thức. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ tháng 10/2020./.
Bình luận