TS. Đoàn Thị Hồng Nhung - Khoa Kế toán, Trường Đại học Đại Nam

Email: doanhongnhung@dainam.edu.vn

Đào Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Mai Phương, Ngô Văn Thiện,

Đào Phương Thảo, Nguyễn Thị Minh Giang - Sinh viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Đại Nam

Tóm tắt

Trên cơ sở sử dụng phương pháp phân tích thống kê và phân tích nhân tố khám phá để đánh giá, bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam, bao gồm: Công tác tuyên truyền tuyển sinh; Người thân; Đặc điểm của Trường; Cơ hội và Kỳ vọng cá nhân.

Từ khóa: cơ hội, đặc điểm của trường; kỳ vọng cá nhân, lựa chọn ngành học; tuyên truyền tuyển sinh

Summary

Employing statistical analysis and exploratory factor analysis methods, the paper examines determinants of decision to choose a major of Dai Nam University’s students from October 2023 to March 2024. Research results point 5 groups of factors affecting their decision, which are Enrollment propaganda; Relatives; Characteristics of the School; Opportunities and Personal expectations.

Keywords: opportunities, school characteristics, personal expectations, major choice, enrollment propaganda

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự lựa chọn ngành, nghề là một trong những sự lựa chọn quan trọng mà học sinh sẽ thực hiện trong việc xác định kế hoạch trong tương lai. Quyết định đó sẽ tác động ảnh hưởng đến họ suốt cuộc đời. Theo Hossler và cộng sự (1989), quyết định lựa chọn trường đại học là một quá trình phức tạp và đa giai đoạn, trong đó một cá nhân phát triển nguyện vọng tiếp tục theo học đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), cuối cùng là quyết định được xác lập bằng hành động cụ thể hướng đến chọn trường đại học, cao đẳng hoặc quá trình đào tạo của một tổ chức hướng nghiệp tiên tiến. Hành vi lựa chọn trường đại học để theo học của sinh viên cũng giống như hành vi một khách hàng lựa chọn các sản phẩm.

Để có thể định hướng cho sinh viên lựa chọn ngành học phù hợp, các nhà làm giáo dục cần hiểu rõ những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học của sinh viên. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành học của sinh viên. Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp với các bên liên quan: trường đại học, trường THPT, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Toàn (2011) nghiên cứu khảo sát các yếu tố tác động đến việc chọn trường của học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dựa trên cơ sở lý thuyết lựa chọn hợp lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quyết định chọn trường của học sinh phụ thuộc vào 5 nhân tố: Đặc điểm của trường đại học; Mức độ đa dạng và hấp dẫn của ngành đào tạo; Khả năng đáp ứng sự mong đợi sau khi ra trường; Những nỗ lực giao tiếp với học sinh của trường đại học; Danh tiếng trường đại học.

Chi (2018) vận dụng lý thuyết về hành vi lựa chọn của khách hàng và mô hình hành động hợp lý (TRA) để thực hiện nghiên cứu. Kết quả phân tích bằng phần mềm SPSS đã chứng minh, Cảm nhận về chi phí có mối quan hệ dương với quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT; Cảm nhận về chương trình học của trường đại học có quan hệ dương với quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT; Danh tiếng trường đại học ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn trường của học sinh THPT; Chuẩn mực chủ quan có tác động tích cực đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT; Cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT; Thông tin học sinh THPT nhận được từ trường đại học có ảnh hưởng thuận chiều đến quyết định lựa chọn trường đại học; Lời khuyên của người khác (bố mẹ, bạn bè...) tác động tích cực đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT bị bác bỏ.

Nghiên cứu của Hùng và Tuyền (2020) chứng minh nhân tố có mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là: Đặc điểm cá nhân với sự tác động của 3 nhóm biến (ngành phù hợp với sở thích tính cách, ngành phù hợp với năng lực học tập, ngành phù hợp với tài chính gia đình); Các phương tiện truyền thông với sự tác động của 2 nhóm biến (có thông tin về ngành qua báo chí, tờ rơi, đài phát thanh, ti vi…; có thông tin về ngành học qua mạng xã hội, internet…); Tư vấn và đặc điểm trường với 4 nhóm biến (hưởng chế độ học bổng chính sách theo quy định, giảng viên giỏi học vị cao, tham quan trực tiếp tại trường học, có nhiều sự kiện hoạt động ngoại khóa); Cơ hội nghề nghiệp và khả năng trúng tuyển với 2 nhóm biến (môi trường làm việc năng động, cơ hội thu nhập cao).

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Công (2018) phát hiện thêm rằng, quyết định chọn trường đại học của các em học sinh còn dựa trên các yếu tố Chi phí học tập. Nghiên cứu của Hoa và Hạnh (2019) cũng chứng minh rằng, nhân tố bản thân cá nhân là nhân tố có tác động mạnh nhất đến quyết định chọn trường đại học của các em học sinh, sinh viên.

Để thực hiện nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học của học sinh, sinh viên, hầu hết các nghiên cứu đều thu thập dữ liệu bằng phương pháp khảo sát học sinh, sinh viên thông qua việc trả lời bảng hỏi. Dữ liệu khảo sát sẽ được xử lý trên phần mềm SPSS để thực hiện phân tích thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy của các tiêu chí thông qua hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích mô hình hồi quy tuyến tính để xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến quyết định lựa chọn của sinh viên (Chi, 2018; Hùng và Tuyền, 2020; Toàn, 2011)

Tuy nhiên, nghiên cứu của Hà và Hiền (2019) đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính bằng phương pháp phỏng vấn sâu cùng với lý thuyết tự quyết định của Deci và Ryan nhằm khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chuyên ngành kế toán của các tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Kết quả nghiên cứu từ dữ liệu thu nhập được cho thấy, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên kế toán của 2 trường đại học bao gồm: (i) Năng lực sở trường và đam mê của bản thân (động lực bên trong); (ii) Tư vấn và định hướng của gia đình, thầy cô, bạn bè (động lực bên ngoài); (iii) Cơ hội nghề nghiệp mang lại trong tương lai (động lực bên ngoài).

Chapman (1981) đã đề xuất mô hình lựa chọn trường đại học của học sinh gồm 4 nhóm nhân tố chính: Đặc điểm cá nhân; Mọi người xung quanh; Đặc điểm trường đại học và Nỗ lực giao tiếp của trường đại học tới sinh viên. Đặc biệt nổi bật thông qua nhân tố trung gian: Những kỳ vọng chung về cuộc sống đại học. Kết quả nghiên cứu của Chapman (1981) cho thấy, lựa chọn trường đại học phụ thuộc vào 2 nhóm nhân tố chính là đặc điểm của học sinh và các ảnh hưởng bên ngoài. Các tác động bên ngoài bao gồm: Những người quan trọng; Đặc điểm của trường đại học và Nỗ lực của trường đại học giao tiếp với sinh viên tương lai.

Như vậy, phát hiện của các nghiên cứu trước cả trong và ngoài nước đều tập trung vào các nhân tố chính sau đây: Đặc điểm cá nhân; Đặc điểm của trường; Người thân; Cơ hội nghề nghiệp; Truyền thông; Chi phí học tập; Danh tiếng của trường; Chương trình đào tạo.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khung lý thuyết

Thuyết phân cấp nhu cầu của Maslow: Thuyết phân cấp nhu cầu của Maslow đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của người tiêu dùng. Trong tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu được khẳng định bản thân ở bậc cao nhất, nó đề cập đến mong muốn hoàn thiện bản thân, cụ thể là xu hướng con người cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất mà họ có thể. Xu hướng này có thể được biểu hiện rõ hơn khi một người mong muốn ngày càng trở nên nhiều hơn những gì người đó đang có, trở thành mọi thứ mà người đó cho rằng có khả năng trở thành. Mà ở đây chính là việc học tập, con người có thể chọn việc học và chọn học cái gì để trở thành người mà bản thân kỳ vọng sẽ trở thành.

Thuyết lựa chọn hợp lý: Theo Thu (2014), Lý thuyết lựa chọn hợp lý nhấn mạnh đến việc phải cân nhắc, tính toán nhằm đạt được những tối ưu trong lựa chọn. Những tối ưu này không chỉ là yếu tố vật chất mà còn cả yếu tố tinh thần và lợi ích xã hội. Việc lựa chọn ngành nghề của sinh viên hợp lý liên quan rất nhiều đến yếu tố cá nhân, yếu tố về sự kỳ vọng, tác động của người thân, cảm nhận về học phí, cảm nhận về chương trình đào tạo... Đó là một trong những lựa chọn hợp lý đảm bảo cho lợi ích của họ.

Lý thuyết hành vi hoạch định (TPB): Lý thuyết này được Ajzen phát triển dựa trên lý thuyết hành động hợp lý (TRA) của Fishbein và Ajzen (1975), bằng cách bổ sung thêm yếu tố “nhận thức kiểm soát hành vi”. Nhận thức kiểm soát hành vi được hiểu là nhận thức của mọi người về mức độ dễ dàng hoặc khó khăn của việc thực hiện hành vi quan tâm. Kiểm soát hành vi nhận thức thường có thể xảy ra, thay đổi theo các tình huống và hành động.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở phát triển mô hình nghiên cứu của Chapman (1981), nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học  của sinh viên Trường Đại học Đại Nam

Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu chọn mẫu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Dữ liệu khảo sát được thu thập qua Google Biểu mẫu. Đối tượng khảo sát là sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Đại Nam ở các ngành học khác nhau, trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024. Các câu hỏi trong bảng khảo sát được đo bằng thang đo Likert 5 bậc, từ 1 - Hoàn toàn không đồng ý đến 5 - Hoàn toàn đồng ý. Kết thúc đợt khảo sát, nhóm nghiên cứu đã thu được 815 phiếu khảo sát. Sau khi loại bỏ các phiếu khảo sát không hợp lệ, còn lại 667 phiếu khảo sát hợp lệ được sử dụng cho nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 26 để tiến hành phân tích thống kê mô tả; kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích EFA.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả phân tích thống kê mô tả cho thấy, số lượng sinh viên nam và nữ tham gia trả lời khảo sát là tương đương nhau với tỷ lệ tương ứng là 50,1% và 49,9%; sinh viên năm thứ hai chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mẫu nghiên cứu tới 33,4%; tỷ lệ sinh viên đến từ Hà Nội chiếm 49,5%; sinh viên khối ngành Kinh tế trả lời phiếu khảo sát lên tới 42,7%, còn ngành Y, Dược chỉ có 14,7%; sinh viên dự định làm việc ở khu vực doanh nghiệp tư nhân là cao nhất, với tỷ lệ 40%; tỷ lệ sinh viên có kết quả học lực cấp 3 ở mức khá là 47,4% và ở mức giỏi là 40,5%; thu nhập của gia đình sinh viên tập trung chủ yếu ở mức khá và trung bình, tương ứng tỷ lệ 49,3% và 33,5%.

Kết quả cho thấy, giá trị trung bình của các biến đều xấp xỉ bằng 4. Như vậy, đáp viên có ý kiến Đồng ý với hầu hết các quan điểm mà nhóm nghiên cứu đưa ra. Riêng biến TS2 xấp xỉ = 3, chứng tỏ đáp viên có ý kiến trung lập với quan điểm “Youtube”.

Kiểm định độ tin cậy

Nghiên cứu thực hiện kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha đối với từng biến độc lập để kiểm tra và loại bỏ biến xấu (Bảng 1).

Bảng 1: Kết quả phân tích thống kê mô tả và Cronbach’s Alpha

Nhân tố

Biến quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Tương quan biến tổng

Cronbach’s Alpha nếu biến bị loại

Cá nhân

CN1

3,69

0,884

0,599

0,837

CN2

3,85

0,909

0,763

0,767

CN3

3,87

0,952

0,725

0,784

CN4

3,81

0,908

0,642

0,820

α = 0,845

Kỳ vọng

KV1

3,80

0,955

0,501

0,754

KV2

3,84

0,865

0,710

0,639

KV3

3,65

0,879

0,577

0,710

KV4

3,63

0,851

0,508

0,745

α = 0,769

Người thân

NT1

3.43

0,995

0,522

0,901

NT2

3.48

1,158

0,795

0,801

NT3

3.53

1,230

0,794

0,800

NT4

3.50

1,224

0,785

0,804

α = 0,868

Cơ hội

trúng tuyển

CH1

3.56

0,985

0,544

-

CH2

3.59

1,040

0,544

-

α = 0,704

Học phí

HP1

3,61

0,830

0,379

0,553

HP2

3,52

0,908

0,391

0,540

HP3

3,84

0,869

0,474

0,414

α = 0,605

Tuyên truyền tuyển sinh

TS2

3,24

1,068

0,552

0,899

TS3

3,55

1,115

0,705

0,886

TS4

3,69

1,047

0,651

0,891

TS5

3,87

1,009

0,579

0,897

TS6

3,59

1,117

0,754

0,880

TS7

3,65

1,209

0,743

0,883

TS8

3,50

1,258

0,777

0,879

TS9

3,37

1,147

0,731

0,884

α = 0,901

Chương trình đào tạo

CT1

3,52

0,867

0,367

0,786

CT2

3,87

0,903

0,612

0,657

CT3

3,92

0,861

0,703

0,606

CT4

4,00

0,910

0,528

0,705

α = 0,752

Đặc điểm

của trường

DD1

3,59

1,006

0,356

0,821

DD2

3,90

1,875

0,519

0,760

DD3

3,93

0,848

0,697

0,704

DD4

3,98

0,900

0,671

0,710

DD5

3,92

0,843

0,623

0,728

α = 0,786

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu từ SPSS

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha đều > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến đều > 0,3, ngoại trừ biến TS1 có hệ số tương quan tổng < 0,3, nên cần phải loại biến này. Theo đó, các biến quan sát đều đáng tin cậy, thể hiện được đặc điểm của nhân tố mẹ.

Như vậy, sau khi đánh giá độ tin cậy thang đo, mô hình bao gồm: (i) Đặc điểm cá nhân; (ii) Kỳ vọng; (ii) Người thân; (iv) Cơ hội; (v) Học phí; (vi) Tuyên truyền tuyển sinh; (vii) Chương trình đào tạo; (viii) Đặc điểm của trường. Các nhân tố này được đưa vào phân tích EFA.

Phân tích EFA

Kiểm định Bartlett: Kết quả Sig. = 0,000 < 0,05 cho thấy, các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số KMO = 0,890 > 0,5 chứng minh phân tích EFA là thích hợp. Có 5 nhân tố được rút trích từ phân tích EFA với giá trị Eigenvalues của các nhân tố > 1: Đạt yêu cầu. Giá trị tổng phương sai trích = 68,476% > 50%: 5 nhân tố được rút trích này giải thích được 68,476% biến thiên của dữ liệu. Do đó, phân tích EFA đạt yêu cầu

Khác biệt về hệ số tải nhân tố của các biến quan sát giữa các nhân tố đều > 0,5 cho thấy, các nhân tố có sự khác biệt rất cao.

Bảng 2: Kết quả phân tích EFA các biến độc lập

Biến quan sát

Nhân tố

Tên nhân tố

1

2

3

4

5

TS9

0,831

Công tác tuyên truyền tuyển sinh

TS8

0,763

TS4

0,709

TS6

0,709

TS7

0,677

TS3

0,667

DD1

0,652

TS2

0,630

NT3

0,755

Người thân

NT4

0,742

NT1

0,736

NT2

0,731

DD2

0,804

Cơ hội

CH2

0,674

CH1

0,644

CT4

0,574

KV1

0,823

Kỳ vọng cá nhân

KV2

0,749

CN4

0,716

CN1

0,681

DD4

0,867

Đặc điểm của trường

DD5

0,821

DD3

0,715

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu từ SPSS

Kết quả Bảng 2 cho thấy, biến DD1 hội tụ về cùng nhóm TS2, TS3, TS4, TS6, TS7, TS8 và TS9, nên lấy tên nhân tố vẫn là “Nhân tố công tác tuyên truyền tuyển sinh”. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý, bởi trong công tác tuyên truyền tuyển sinh, Danh tiếng của trường là một nhân tố mà người học quan tâm.

Biến KV1, KV2, CN4 và CN1 hội tụ về cùng 1 nhân tố và đặt lại tên là “Nhân tố kỳ vọng cá nhân”. Biến NT1, NT2, NT3 và NT4 đều hội tụ về cùng 1 nhóm, giữ nguyên tên là “Nhân tố người thân”. Kết quả này hoàn toàn thống nhất với các kết quả nghiên cứu trước. Biến DD3, DD4 và DD5 hội tụ về cùng 1 nhóm nên vẫn giữ tên là “Nhân tố đặc điểm của trường”. Biến DD2 và CT4 hội tụ về cùng nhóm với biến CH1 và CH2, nên đặt tên là “Nhân tố cơ hội”.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam. Trong đó, các biến có sự hội tụ cao nằm tập trung ở nhóm nhân tố Công tác tuyên truyền tuyển sinh, Người thân và Đặc điểm của Trường. Ngoài ra, nhân tố Cơ hội và Kỳ vọng cá nhân cũng có ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam.

Khuyến nghị

Về phía Trường Đại học Đại Nam

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, làm hình ảnh cho Trường thông qua các kênh digital, như: Facebook, Tiktok... Thông qua những video, những bức ảnh trường có thể lồng ghép giới thiệu về ngành học, sẽ là một kênh để các bạn học sinh có thể hiểu rõ hơn về các ngành học của Trường và biết được sau khi tốt nghiệp ngành học đó ra trường, các bạn ấy sẽ làm công việc gì.

Nhà trường cần tăng cường tổ chức các chương trình hướng nghiệp để đưa thông tin tới học sinh, sinh viên. Trường có thể làm những quyển sổ tay nhỏ để phát cho học sinh nhằm định hướng phát triển cho học sinh.

Phối hợp với các trường THPT tổ chức cho các em học sinh đến tham quan trường để được nghe các anh chị đi trước giới thiệu ngành học của mình cũng như tận mắt thấy được chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất của nhà trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, Trường cũng cần thiết lập mối quan hệ “chặt chẽ” với các cá nhân có ảnh hưởng, như: cựu sinh viên, sinh viên đang học, các trườngTHPT, các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, bạn bè, phụ huynh học sinh hay với các nhà tuyển dụng… Thiết lập một mạng lưới truyền thông về các ngành học của Trường một cách hiệu quả.

Xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng và thỏa mãn các yêu cầu tuyển dụng của các công ty sử dụng lao động. Chương trình đào tạo nên thiên về thực hành, thực nghiệm và phải trang bị cho người học các kỹ năng làm việc hiệu quả. Đưa vào chương trình đào tạo những môn học cần thiết trong tương lai. Điều này sẽ giúp sinh viên hứng thú hơn trong quá trình học và tập trung học tập hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh liên kết, tạo môi trường thực tập cho sinh viên. Khi thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội vận dụng những kiến thức chuyên ngành mà mình được học kết hợp với thực tế giúp cho sinh viên hiểu sâu hơn những kiến thức và tăng khả năng của bản thân khi xử lý công việc.

Về phía các trường THPT

Tăng cường đưa các môn học nhận thức bản thân vào chương trình học, tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của học sinh, chương trình tham vấn tâm lý để học sinh có thể phát huy năng lực bản thân.

Tổ chức cho học sinh làm các bài kiểm tra nhận diện năng lực ngay khi bắt đầu đăng ký ngành học, giúp học sinh nhận diện đúng điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó đưa ra quyết định chọn ngành phù hợp.

Về phía gia đình

Phụ huynh nên định hướng sớm cho các con ngay từ khi bước vào THPT. Cha mẹ chỉ nên là người hướng dẫn, chia sẻ và đồng hành để tư vấn chứ không nên ràng buộc, tạo áp lực, kỳ vọng quá lớn cho bản thân của mỗi học sinh. Biết được lực học của con cái mình ở đâu để tư vấn thật phù hợp. Vậy nên, các bậc phụ huynh nên cố gắng khuyến khích con chọn ngành nghề mà con thực sự yêu thích, đam mê./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chapman, D. W. (1981), A Model of Student College Choice, The Journal of Higher Education, 52, 490-505.

2. Chi, N., T, K. (2018), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT - trường hợp Hà Nội, Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

3. Công, P. T. (2018), Nghiên cứu các yếu tố chọn trường đại học của học sinh lớp 12 tại TP. Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

4. Fishbein, M. A., and Ajzen, I. (1975), Belief, Attitude, Intention and Bahavior, Addison - Wesley Publishing Company.

5. Hà, Đ. T., và Hiền, Đ. T. (2019), Nghiên cứu đề xuất các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chuyên ngành kế toán của người học, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Nghiên cứu và đào tạo kế toán, kiểm toán, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Những vấn đề đặt ra với nội dung và chương trình đào tạo ngành kế toán, kiểm toán.

6. Hoa, N. T. A., và Hạnh, N. T. H. (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh THPT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Khoa học Yersin, 6, 67-76.

7. Hossler, D., Braxton, J., and Coopersmith, G. (1989), Understanding student college choice, Higher education: Handbook of Theory and Research, 5, 231-288.

8. Hùng, T. M., và Tuyền, N. T. K. (2020), Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của sinh viên Trường Đại học Tây Đô, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, 9, 18-33.

9. Thu, H. T. (2014), Chuyển đổi tôn giáo: Sự lựa chọn duy lý của người Mnông, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, 09, 126-136.

10. Toàn, N. P. (2011), Khảo sát các yếu tố tác động đến việc chọn trường của học sinh lớp 12 THPT tỉnh Tiền Giang, Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày nhận bài: 20/4/2024; Ngày phản biện: 05/5/2024; Ngày duyệt đăng: 29/5/2024